Diện mạo mới - Sức bật mới của sông Sài Gòn

MINH PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/9/2023, 10:00

(HTV) - Từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ.

Dạo bước dọc theo bờ sông Sài Gòn, ngắm nhìn những đổi thay lớn dần theo năm tháng, đó không đơn thuần là thói quen mà còn là một phần gắn bó với Kiến trúc sư Khương Văn Mười, người đã có nhiều đóng góp cho diện mạo của Thành phố. Với ông, sông Sài Gòn như một sợi dây liên kết hữu hình lẫn vô hình vô cùng giá trị của người dân Thành phố.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết: "Dòng sông Sài Gòn là một dòng sông rất đặc biệt đi ngang Thành phố. Đây chính là lợi thế về thiên nhiên giúp cho sông Sài Gòn tạo nên một cảnh quan và khi chúng ta quy hoạch thì hiện nay chúng ta đang rất quan tâm đến việc cải tạo cảnh quan hai bên và khai thác dòng sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn có nhiều quãng, mỗi quãng có một giá trị khác nhau, và trên cơ sở khai thác, chúng ta cần quan tâm những nội dung đó để khai thác hiệu quả. Ví dụ ở Quận 1 kế bên là Quận 4 hay TP. Thủ Đức, là một cấu trúc liên kết lẫn nhau, một bên là đô thị phát triển đã có lợi thế thành phố cổ, một bên là khu vực phát triển cảnh quan công viên bờ sông, công viên văn hóa nghệ thuật. Nếu có sự nối kết này sẽ tạo nên giá trị cho dòng sông".

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Một minh chứng và cũng là niềm tự hào của người dân Thành phố, khi Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1, TP.HCM được hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2022 đã thu hút nhiều khách du lịch và người dân Thành phố đến tham quan. 

 Hay vừa qua, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 1 năm 2023 đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật. Được xem là một trong những hoạt động hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa của TP.HCM.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 1 năm 2023 

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, bên cạnh khai thác giá trị kinh tế, còn phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với TP.HCM vì Thành phố gắn liền với dầu ấn của những dòng sông. Đây là một thời điểm vàng để Sở Du lịch cùng với Sở Giao thông vận tải và các sở ngành khác để phối hợp triển khai các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng như Nghị quyết 82 của Chính phủ, từ đó kêu gọi đầu tư các dự án, các khu điểm du lịch dọc hai bờ sông Sài Gòn cũng như các dự án trên địa bàn và của TP.HCM, đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan nâng tầm và đưa Lễ hội Sông nước TP.HCM trở thành một sự kiện đặc trưng.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

Sông Sài Gòn được chia thành hai vùng, gồm: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (Quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp Quận 7). Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước.

Vùng trung - hạ lưu sông Sài Gòn từ cầu Phú Long (Quận 12) đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp Quận 7)

 Từ năm 2025 đến năm 2045, Thành phố sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch dọc sông.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng về tinh thần chung đề án có những điểm tốt, đó là đem lại sức sống mới cho khu vực ven sông và tận dụng không gian bên trong để tạo nên kết nối theo trục liên kết vùng. Tuy nhiên, khi đi sâu vào chi tiết thì đề án này còn nhiều điểm chúng ta thận trọng và cần một sự thống nhất bài bản. Chúng ta cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ban ngành để đưa ra một quy hoạch khả thi. Thứ hai, cần xác định những khu đất tiềm năng để làm các dự án TOD. Thứ ba, quy hoạch phải làm rõ tuyến đường giao thông ven sông khác biệt với tuyến đường cảnh quan ven sông, và xác định rõ ràng cần có một chính sách nhất quán hợp tác giữa các tỉnh thành, đặc biệt là những khu vực đang có những dự án mọc lên từng ngày, cụ thể là bờ Đông và bờ Tây. Hy vọng là không gian công cộng ở hai bờ sẽ được kết nối với nhau".

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn 

"Thực tế chúng ta đã đạt được kết quả rất rõ ràng, ví dụ các bờ sông ở Thành phố cũng đã được xây dựng mới, các công viên xuống cấp cặp bờ sông được cải tạo như ở quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức.

Tất cả những công tác này được thực hiện một cách đồng bộ dựa trên nền tảng của đề án, đã tạo ra những khu vực có cảnh quan thay đổi rất tích cực, tạo ra không gian để người dân có thể vui chơi, sinh hoạt, thưởng ngoạn, hưởng thụ tài nguyên của sông Sài Gòn.

Quan trọng nhất là phải xây dựng các cơ sở pháp lý, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ, thể hiện rõ tầm nhìn định hướng với sự phát triển ở hai bên bờ sông Sài Gòn mà vẫn khai thác hết giá trị cảnh quan kinh tế môi trường và đặc trưng", Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

"Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã ban hành một kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể các giai đoạn như xây dựng định hướng sắp tới sẽ là cụ thể hóa các chính sách để triển khai, trên cơ sở đó, triển khai các dự án mang tính chất thí điểm cho từng khu vực thượng lưu, khu vực đô thị đã phát triển hay các phương án hoàn chỉnh 2 bờ Bến Bạch Đằng và Thủ Thiêm, và ra xa hơn nữa là sông Đồng Nai", ông Trương Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết.

Ông Trương Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã hoàn thiện kế hoạch cụ thể để trình Thành phố xem xét thứ tự ưu tiên trong thời gian sớm nhất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: