(HTV) - Đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Kết quả của Tổng kết Nghị quyết số 54 cho thấy, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Trong khi đó, TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất trong cả nước, có số lượng lao động đông nhất, chiếm một phần lớn trong số thu ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc áp dụng chính sách vượt trội để tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà còn cả với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đại biểu Quốc hội tán thành việc có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54
Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Các chính sách hiện hành chỉ tương tự như địa phương khác, chưa có cơ chế đặc thù hơn địa phương khác. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến năm 2030 TP.HCM là đầu tàu cho cả vùng, do đó việc cho phép chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu là cần thiết".
Bà Đoàn Thị Lê An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nhận xét: "Những cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của mình như thực hiện phân cấp phân quyền và chủ động trong một số lĩnh vực như kế hoạch đầu tư, tài chính, quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật xã hội, chỉ đạo và điều hành chủ động cho Thành phố".
Bà Đoàn Thị Lê An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng
Ông Hà Sĩ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề cập rằng, vì có nhiều chính sách cần tính toán thời gian thực hiện nên cần xem xét liệu có nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết hay chỉ giới hạn trong thời hạn 5 năm. Ông cũng cho rằng thời gian 5 năm để thực hiện Nghị quyết 54 không đủ để đáp ứng nội dung được yêu cầu. Vì vậy, ông đề nghị kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2030 hoặc thậm chí lâu hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị xem xét việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, để giúp Thành phố có thêm nguồn lực thực hiện các chương trình phát triển.
Ông Hà Sĩ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng đề xuất bổ sung thêm quy định giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố đến năm 2025 và tiếp tục tăng phù hợp cho các năm tiếp theo như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề cập và đồng thời xem xét sửa đổi điều 5 để có thể lấy thêm các nguồn lực khác cho Thành phố.
Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Thành phố, để đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới như đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM vào ngày 23/6 tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9