Công nghệ cao tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/8/2024, 17:00

(HTV) - Với quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại bằng việc ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của TP.HCM. Đây được đánh giá là tiền đề để phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn.

"Trồng rau thủy canh trụ đứng, hay trồng cà chua bi trên hệ thống khung cột trong nhà màng", đây là 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ nổi bật được Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM triển khai và chuyển giao từ năm 2016.
Hiệu quả mô hình không chỉ góp phần tăng giá trị về kinh tế, mà còn phù hợp với quỹ đất hạn hẹp ở đô thị.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - Phó Phòng Nghiên Cứu Cây Trồng Và Vật Nuôi, Trung Tâm Ươm Tạo Doanh Nghiệp Nông Nghiệp Công Nghệ Cao, giống cà chua bi, có thể thu hoạch 6 tấn/1.000m2. Lợi nhuận bình quân trên 150 triệu/năm. Với rau thủy canh trụ đứng, có thể trồng 10 vụ trên 1 năm. Năng suất cao hơn 10% so với trồng truyền thống.

Cũng khởi nghiệp từ Trung tâm ươm tạo với sản phẩm bột rau sấy lạnh, đơn vị này ngay từ đầu đã định hướng phát triển theo hướng tuần hoàn bằng việc đầu tư vào công nghệ tự động hóa. Đây là bước đi đột phá để sản phẩm phát triển ở thị trường quốc tế.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đô thị

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Phó Giám Đốc Công Ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt cho biết, chuyển đổi xanh là điều mà nhiều năm trước doanh nghiệp hướng đến. Cụ thể là mô hình của công ty là không có xả thải, sử dụng 100% nhiên liệu từ điện. Và tuần hoàn hóa từ các nguyên liệu, như từ các phế phẩm, như thân, cọng rau sẽ chế biến lại thành phân bón. Sản phẩm hiện đã xuất khẩu qua Mỹ và nhiều nước châu Âu..

Tính đến cuối năm 2023, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã ghi nhận hơn 1.000 doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tìm hiểu để tham gia ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đã thực hiện ươm tạo cho 65 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, chế phẩm sinh học và nuôi trồng thủy sản.

Các Trung tâm trực thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao đã xây dựng 567 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các đối tượng như rau ăn quả, rau ăn lá, trồng hoa lan, cây kiểng, thủy sản, cá cảnh.

Theo Ông Lê Văn Cửa - Phó Trưởng Ban, Ban Quản Lý Khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao TP.HCM, Khu đã triển khai các nội dung như tập huấn những chương trình từ các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình cho các Hợp tác xã, trang trại, và doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham quan, qua đó ứng dụng cũng như chuyển tải những kết quả nghiên cứu, áp dụng thực tế vào các mô hình.Về kinh tế xanh và tuần hoàn, Khu nông nghiệp công nghệ cao đã ứng dụng chuyển đối số trong nông nghiệp nói chung, và đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt và thủy sản. Chúng tôi xây dựng mô hình, và từ đó chúng tôi tập huấn, cũng như triển khai và áp dụng thực tế, từ mô hình nhỏ sẽ nhân rộng ra.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn là một giải pháp hợp lý, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: