(HTV) - Thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội phục hồi mạnh mẽ nhờ những điểm mới trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản 2024 và các cơ chế đặc thù đang được áp dụng.
Sáng 9/4, diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" diễn ra tại TP.HCM. Đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia đã phân tích nhiều điểm mới từ Luật đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản 2024 để tận dụng dòng vốn vực dậy thị trường.

Diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" diễn ra vào sáng ngày 9/4 tại TP.HCM
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã trực tiếp giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư liên quan vấn đề tăng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, nhiều kiến nghị vận dụng nghị quyết 171 để khơi thông bế tắc cho các dự án đã được nêu bật.
Trước thực trạng nhiều dự án gặp bế tắc do các vấn đề pháp lý kéo dài, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh quan điểm cần giải quyết thực tế một cách linh hoạt. "Chúng ta không thể xóa đi làm lại. Với những dự án chủ đầu tư đã triển khai nhưng thiếu thủ tục về đầu tư, môi trường hay chuyển đổi đất lâm nghiệp, cần cho phép họ bổ sung hoàn thiện," ông Chính nêu rõ.

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ông Chính cũng cho biết, vẫn còn nhiều dự án không nêu tên trong kết luận 153 của thanh tra chính phủ trình bộ chính trị thì các địa phương tiếp tục rà soát và phân đoạn các dự án này để trên cơ sở đó cái gì thuộc thẩm quyền địa phương thì tháo gỡ.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản 2024, kết hợp với hai Nghị quyết 170 và 171 không chỉ giải quyết vướng mắc cho các dự án có sai phạm trước đây mà còn tạo cơ chế để chúng tiếp tục hoạt động. Việc vận dụng cơ chế mới được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong chuyển nhượng đất để phát triển nhà ở thương mại, tháo gỡ điểm nghẽn cho hàng loạt dự án treo, từng bước giúp làm "ấm" lại thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Khắc Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Bất động sản 245, TP. Thủ Đức cho biết, sau 3 năm trầm lắng thì từ đầu năm 2025 đến nay, lượng giao dịch bất động sản tăng từ 15% - 20% và giá trị sản phẩm tăng 8% - 10%.".

Ông Nguyễn Khắc Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Bất động sản 245, TP. Thủ Đức
Tại TP.HCM, nơi có tới 86 dự án bị "đóng băng" ảnh hưởng đến khoảng 57.000 căn nhà, việc áp dụng Nghị quyết 171 đã mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu, dần được tháo gỡ. Đến nay, thành phố đã đăng ký thí điểm tháo gỡ cho 343 dự án với tổng diện tích 1.913 ha. Ước tính, các dự án này có thể cung cấp thêm 216.000 căn nhà ra thị trường trong 3 đến 10 năm tới.


Tại TP.HCM có tới 86 dự án bị "đóng băng" nhưng nhờ việc áp dụng Nghị quyết 171 nên đã được tháo gỡ dần
Về phía nguồn vốn, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II, khẳng định tín dụng đang đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc mua nhà ở (chiếm 66%). Ông cho biết tín dụng cho vay nhà ở có tín hiệu tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 tăng 0,51%, tháng 2 tăng 0,6%). Như vậy là tổng 2 tháng đã tăng 0,67%, tức tăng 36% so với cùng kỳ. Việc cho vay mua, tạo lập nhà ở thực hiện chiến lược quốc gia và là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II
Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Đại học kinh tế TP.HCM cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần tự lực hơn về tài chính thông qua các kênh thị trường vốn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ đề xuất cần có chính sách thuế hiệu quả để tăng nguồn cung cho quỹ nhà ở xã hội, ví dụ áp dụng thuế lũy tiến phạt các doanh nghiệp bỏ trống đất trong thời gian dài và bổ sung khoản thu này vào quỹ nhà.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Đại học kinh tế TP.HCM
Với khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư cho mỗi hecta dự án nhà ở thương mại, tổng quy mô 1.913 ha thí điểm tại TP.HCM có thể thu hút tới 1 triệu 910 tỷ đồng đầu tư ra ngoài xã hội và kéo theo 35 ngành kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Thời điểm này, các doanh nghiệp cần linh hoạt tận dụng đòn bẩy về chính sách tiền tệ của nhà nước để tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường.
Nhìn chung, với sự vào cuộc của các quy định pháp luật mới và những cơ chế đặc thù, cùng nỗ lực từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang có những cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào một giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9