Chuyển đổi xanh: Hành vi đầu tư đang thay đổi

TRẦN HÙNG - HỮU TRÍ - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/11/2024, 21:00

(HTV) - Chuyển đổi xanh đang thực sự diễn ra như một xu thế tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Dòng vốn hiện nay đang ưu tiên tìm đến các dự án, ngành nghề, hoạt động có yếu tố xanh. Hành vi của các nhà đầu tư cũng buộc phải thay đổi để phù hợp.

Tuy nhiên, tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn. Tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường đầy tiềm năng này.

Nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi xanh là rất lớn

Riêng trong lĩnh vực bất động sản - một kênh đầu tư quan trọng tại Việt Nam, chỉ trong quý I/2024 đã có đến 439 dự án được công nhận đạt chứng chỉ xanh. Những tháng tiếp theo, đa phần dự án mới đều khẳng định sẽ theo đuổi chứng chỉ xanh. Và dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên đến hơn 530 dự án.

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc - Giám đốc Cấp cao, Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ: "Khách hàng của chúng tôi đa số là các doanh nghiệp đa quốc gia, họ có những cam kết về mục tiêu xanh mà họ sẽ phải đạt được vào năm 2030, mà từ nay đến năm 2030 thực ra cũng chỉ là một chu trình đầu tư thôi, cho nên các nhà đầu tư cũng cảm thấy rằng cần phải xem xét lại danh mục đầu tư của mình, có thể sẽ phải bán bớt những dự án không còn đạt chuẩn nữa, hay họ sẽ phải mua những dự án đạt được chứng chỉ xanh".

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc - Giám đốc Cấp cao, Cushman & Wakefield Việt Nam

Nhu cầu đầu tư vào chuyển đổi xanh là rất lớn. Đây là nhận định chung được đưa ra tại Hội thảo "Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam" diễn ra tại TP.HCM.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo 

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ đô la Mỹ cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Việc vận dụng hợp lý các cơ chế đặc thù sẽ giúp TP.HCM đạt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Song song đó, Thành phố cần hướng đến mô hình trung tâm tài chính thế hệ mới, thu hút nguồn tài chính xanh, phát huy vai trò dẫn dắt để xây dựng một môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

TP.HCM có thể vận dụng các cơ chế đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi xanh hiệu quả

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: