(HTV) - "Biến động địa chính trị" là cụm từ đang được quan tâm trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, trong đó "Chính sách thương mại sắp tới của Mỹ" là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến ngành Logistics Việt Nam nói chung và TP.HCM thời gian tới.
Hội thảo thảo luận về Logistic trong bối cảnh toàn cầu
Bà Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL Logistics) cho biết: Sự thay đổi chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm tới, có thể gây ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục, sản xuất có thể chuyển sang Việt Nam và Đông Nam Á, làm tăng cầu trong khi cung không kịp đáp ứng, từ đó đẩy giá cước vận chuyển lên cao.
TP.HCM là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh Logistics. Tỷ trọng đóng góp của ngành Logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố trong năm 2023 đạt khoảng 8,5%, với quy mô đóng góp gần 140.000 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra quan điểm: Thành phố đang triển khai nhiều dự án lớn để phát triển ngành Logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thương quốc tế khi tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài. Với thế mạnh về hàng không và đường biển, TP.HCM đã trở thành một trung tâm Logistics quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần tổ chức và quản lý cơ chế, chính sách đầu tư một cách căn cơ, bài bản, kết hợp với công nghệ mới để đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tương lai.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đang phát biểu quan điểm và đề xuất những chính sách mới
Trong quá trình xây dựng chính sách, phát triển kinh tế, TP.HCM xác định Logistics là ngành quan trọng, có tác động bền vững và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận: Ngành Logistics thành phố hiện nay chưa phát triển tương xứng quy mô và độ mở của nền kinh tế với những điểm nghẽn cần tháo gỡ như hạ tầng Logistics, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực.
Bà Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL Logistics) nhận định, "Hạ tầng phát triển góp phần cắt giảm chi phí Logistics. Hiện nay thành phố có kế hoạch phát triển 7 trung tâm Logistics thì có hành động cụ thể, để từ trung tâm Logistics phân phối nhanh chóng, tiện lợi. Một việc không thể thiếu là phải chuyển đổi số, tuy nhiên phải thực hiện đồng bộ: Doanh nghiệp Logistics, doanh nghiệp xuất khẩu và chính quyền địa phương. Chuyển đổi số góp phần lớn trong quản trị chuỗi cung ứng điện tử và phát triển bền vững theo tiêu chí ESG".
Bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM khẳng định, "Hiện nay do ảnh hưởng của biến động địa chính trị dẫn đến việc tăng giá cước cảng biển hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp Logistics đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, các bên phải phối hợp với nhau, xài chung hệ thống để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu".
Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng
Nâng cấp và tối ưu hóa hệ thống hạ tầng Logistics đóng vai trò then chốt trong việc kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh tình hình thế giới khó đoán định như hiện nay, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ càng trở nên cấp thiết nếu không nhiều cơ hội giao thương có thể bị bỏ lỡ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9