(HTV) - Trong bối cảnh xuất khẩu thiếu đơn hàng, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã giúp Việt Nam giữ vững giá trị xuất khẩu. Đồng thời, các chính sách tài khóa cũng được đưa ra giúp doanh nghiệp đa dạng nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự lo ngại về khả năng tiếp cận vốn thực tế.
Theo khảo sát của VCCI năm 2022, tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản chỉ ở mức từ 25 - 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại dựa trên cam kết bằng bất động sản.
Các doanh nghiệp có khả năng xây dựng thương hiệu sản phẩm Made in Việt Nam cạnh tranh trên thị trường FTA cần nguồn trợ lực đính kèm cho sự thành công. Đó chính là nguồn vốn
Khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp cần phân loại nhu cầu vốn theo thời hạn vay để định vị nguồn tiếp cận. Nguồn vốn tín dụng là thiết yếu để chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA.
"Mặc dù cho đến hiện nay, chính phủ đã có các Nghị quyết, chủ trương bù lãi suất vay cho doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo. Nhưng thực tế chưa có doanh nghiệp nào được bù lãi suất cả. Tất cả các chính sách này vẫn còn trên giấy. Nếu như lãi suất vay ngân hàng được bù 4-5% thì tôi tin doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh rất là tốt với các doanh nghiệp khác trên toàn cầu" - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Bình chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương phát triển quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này đồng hành cùng với ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng. Có như vậy, doanh nghiệp mới đủ tiềm lực tận dụng lợi thế từ các FTA.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9