Áp lực tự chủ tài chính đối với cơ quan báo chí

HỒNG DIỄM - THÚY QUYÊN - THANH PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/8/2023, 19:00

(HTV) - Tại Việt Nam, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu quảng cáo. Nếu trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì hiện đều sụt giảm nghiêm trọng.

Khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với 159 cơ quan báo in và điện tử trong 2 năm đại dịch COVID-19 cho thấy: Tổng doanh thu khối báo giảm tới 30,6% từ 2.855 tỷ đồng trong năm 2020, xuống còn 1.952 tỷ đồng trong năm 2021, Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Giữa lúc bức tranh kinh tế thế giới chưa kịp khởi sắc, các cuộc xung đột và lạm phát tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới, các cơ quan báo chí rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt trong việc tìm nguồn thu, khi số lượng độc giả, khán giả ngày một sụt giảm, các doanh nghiệp đều tìm cách cắt giảm chi phí quảng cáo.

 Thực tế, hoạt động xuất bản và phát hành tại các báo hiện nay đa phần đang gặp khó khăn về tài chính. Áp lực tự chủ tài chính đè nặng lên các cơ quan báo chí là rất lớn. Khó khăn này cũng đã được nhiều cơ quan phản ánh tại Hội nghị giao ban sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại TP.HCM, tổ chức vào tháng 7 vừa qua.

Áp lực hiện nay đối với cơ quan báo chí 

Trong bối cảnh hoạt động xuất bản, phát hành báo in ảm đạm, một số đơn vị có lãi ở các hoạt động khác như thu tài chính, các chương trình hội thảo, sự kiện.

Trước đây, Thông tư 150 năm 2010 cho phép: nếu trường hợp bán báo và quảng cáo không đủ bù đắp chi phí, các cơ quan báo chí được tính chung phần thu từ các hoạt động có lãi khác. 

Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19 bãi bỏ Thông tư 150/2010 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí. Thông tư 19 có hiệu lực từ ngày 18/5/2023, điều này khiến không ít cơ quan báo chí rơi vào tình cảnh "khó chồng khó". 

Cơ quan báo chí sẽ thêm khó khăn khi Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 150/2010 về thuế đối với báo chí 

Khó khăn chồng chất khó khăn đối với cơ quan báo chí

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín chia sẻ: "Tôi đánh giá cao hoạt động của cơ quan báo chí thời gian qua, tác động tích cực đến nền kinh tế, cũng như nhiệm vụ chính trị - xã hội, do đó cần những chính sách ưu đãi cho báo chí phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh báo chí khó khăn trong quảng cáo, không đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho ngành báo chí, chất lượng báo chí có thể không được đảm bảo. Chính vì vậy nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, các chính sách này cần được hoạch định, ban hành minh bạch, rõ ràng, cụ thể theo quy định trong Luật báo chí, để làm sao khi chính sách thuế thay đổi thì ưu đãi vẫn hiện hữu chứ không nên quy định tại các quy định pháp luật của thuế sẽ không phù hợp".

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín

Là đơn vị hành chính sự nghiệp mang nhiệm vụ chính trị - xã hội sâu sắc, cơ quan báo chí kỳ vọng thông tư mới của Bộ Tài chính sắp tới sẽ có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí duy trì hoạt động, để vừa thực hiện nhiệm vụ là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với Nhân dân, vừa thực hiện nghĩa vụ thuế đúng các quy định của pháp luật.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: