(HTV) - Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 6 nhưng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Các nỗ lực của thế giới nhằm kiềm chế cuộc chiến vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Mới nhất trong ngày 22/3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiếp tục thất bại trong việc thông qua dự thảo nghị quyết về một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/3. Nguồn ảnh: AFP
Dự thảo nghị quyết này do Mỹ soạn thảo, kêu gọi các bên trong xung đột Israel - Hamas ngừng bắn tạm thời ở Gaza ngay khi có thể và cảnh báo về tác động của việc Israel tấn công thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza.
Tuy nhiên, dự thảo đã bị nhận 3 phiếu chống, trong đó có 2 phiếu của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc.
Bế tắc trong việc kêu gọi ngừng bắn
Cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Trung Đông. Ông Blinken hôm 22/3 đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu để hối thúc Israel không tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah và làm nhiều hơn nữa để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Trước đó, ông Blinken đã gặp lãnh đạo các nước Ả Rập và thảo luận về nỗ lực ngừng bắn và các ý tưởng cho tương lai của Gaza sau xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông để thúc đẩy ngừng bắn. Nguồn ảnh: AFP
Hiện các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Trở ngại chính là việc Hamas chỉ đồng ý thả các con tin với điều kiện đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, trong khi Israel tuyên bố chiến dịch quân sự tại Gaza sẽ chỉ dừng lại tạm thời.
Trên chiến trường, quân đội Israel vẫn đang tiếp tục tấn công các địa điểm tại Gaza, với mục tiêu quét sạch các tay súng Hamas.
Trong những ngày gần đây, giao tranh giữa Hamas và quân đội Israel tiếp tục gia tăng tại phía Bắc Gaza, khu vực vốn đang do Israel kiểm soát từ đầu cuộc chiến kéo dài gần 6 tháng, bao gồm cả bệnh viện al-Shifa, hiện là một trong số ít cơ sở y tế còn hoạt động.
Theo Cơ quan y tế tại Gaza, chiến sự đã khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. 80% trong số 2,3 triệu dân tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa và một phần tư dân số phải đối mặt với nạn đói.
Xe tăng Israel tại biên giới với Gaza ngày 19/3. Nguồn ảnh: AFP
Bất chấp những cảnh báo liên tục của quốc tế và các cuộc thương lượng trong hậu trường với Hamas để đạt thỏa thuận ngừng bắn, Israel vẫn kiên quyết tiếp tục chiến dịch tấn công ở Dải Gaza, trong đó bao gồm thành phố phía Nam, Rafah.
Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sức ép từ cộng đồng quốc tế không thể ngăn cản nước này đạt được tất cả các mục tiêu trong cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza, gồm tiêu diệt lực lượng Hamas, giải cứu tất cả con tin và đảm bảo Dải Gaza không thể trở thành một mối đe dọa đối với Israel.
Israel quyết tâm tấn công trên bộ vào Rafah. Nguồn ảnh: Anadolu
Để làm được điều đó, quân đội Israel sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, bao gồm cả Rafah, đồng thời sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/02, ông Netanyahu đã khẳng định đây là điều cần thiết để tiêu diệt toàn bộ Hamas.
Dù vậy, Mỹ đang tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của Israel tấn công trên bộ vào Rafah, nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn.
Israel tiếp tục tấn công Gaza bất chấp sức ép quốc tế
Washington cảnh báo sẽ không hỗ trợ cho chiến dịch ở Rafah, nếu Israel không đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho dân thường Palestine.
Dự kiến, một phái đoàn Israel sẽ tới Washington trong những ngày tới để thảo luận về kế hoạch của Israel đối với Rafah. Mỹ đang quan ngại sâu sắc về những báo cáo về việc nạn đói sắp xảy ra tại Gaza.
Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả của chiến dịch tấn công trên bộ của Israel nhằm vào Rafah. WHO cho rằng kế hoạch sơ tán người dân tại đây là không thực tế và sẽ gây ra thêm nhiều tang thương, đồng thời kêu gọi Israel nỗ lực hướng tới hòa bình.
Hậu quả một cuộc tấn công của Israel tại Deir al-Balah, Gaza ngày 16/3. Nguồn ảnh: Anadolu
Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 1,5 triệu người hiện đang sinh sống ở Rafah, nơi từng là thành phố chỉ 300.000 dân. Dân số tăng vọt là do các lực lượng Israel đã tấn công tất cả các khu vực khác của Dải Gaza chật hẹp khiến người Palestine đổ về Rafah để lánh nạn.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo khoảng 1,1 triệu người ở Gaza đang đối mặt nạn đói nghiêm trọng, trong bối cảnh thiếu lương thực và hoạt động viện trợ gặp khó khăn.
Trong ngày 23/3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tới thăm Rafah để bày tỏ tinh thần đoàn kết trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Ông cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực đưa hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua nhiều con đường khác nhau.
Hôm 21/3, một đoàn xe chở hàng viện trợ đã tiến vào phía Bắc Gaza trực tiếp từ Israel.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thả hàng viện trợ xuống những khu vực bị cô lập và khó tiếp cận ở phía Bắc Gaza. Cho tới nay, UAE đã thả tổng cộng 462 tấn lương thực và vật tư y tế xuống Gaza.
Thả hàng viện trợ xuống Gaza trong ngày 05/3. Nguồn ảnh: Reuters
Trong khi đó, sân bay quốc tế El Arish của Ai Cập đã tiếp nhận thêm hai máy bay của UAE và Nga, chở hàng viện trợ dành cho Dải Gaza. Hàng viện trợ gồm lương thực, thực phẩm, và vật tư y tế.
Bên cạnh viện trợ bằng đường bộ và đường không, thời gian qua, Liên minh Châu Âu cùng Mỹ và UAE cũng đã thử nghiệm một tuyến đường vận chuyển hàng viện trợ trên biển đến Gaza.
Chiều 17/3, chiếc tàu của tổ chức Open Arms đã hoàn thành chuyến viện trợ đầu tiên bằng đường biển đến Gaza với hơn 200 tấn hàng.
Tàu Open Arms đi từ Đảo Síp ngày 12/3 để chuyển hàng viện trợ đến Gaza. Nguồn ảnh: Open Arms
Dù vậy, tất cả những biện pháp trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân Gaza. Liên Hiệp Quốc mới đây cảnh báo, nạn đói có nguy cơ xảy ra ở khu vực phía Bắc Dải Gaza và sau đó có thể lan rộng ra khắp vùng đất này.
Việc Israel mở chiến dịch trên bộ vào Rafah có nguy cơ sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại Gaza, có thể tác động tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng.
Ai Cập, Qatar và Ả Rập Xê-út đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc của việc Israel tấn công vào Rafah. Ai Cập cũng đe dọa đình chỉ hiệp ước hòa bình với Israel.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9