Việt Nam đẩy nhanh khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số: Cơ hội và thách thức

NGỌC PHẠM - TRÀ MY - THIỆN TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 8/3/2025, 10:19

(HTV) - Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về quản lý tiền kỹ thuật số. Lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư và nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Coin Market Cap, trên toàn cầu hiện nay có khoảng 2,4 triệu loại tiền kỹ thuật số khác nhau, nhiều gấp hơn 20.000 lần số lượng các đồng tiền pháp định được lưu hành. Trong đó, tại Việt Nam ước tính có tới hơn 20 triệu người đã và đang sở hữu các dạng tài sản số, tiền kỹ thuật số.

Tọa đàm "Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số" diễn ra tại TP.HCM

Nhu cầu của các nhà đầu tư là hiện hữu, giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số ngày càng gia tăng nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa công nhận tiền kỹ thuật số là một loại tài sản hay một phương tiện thanh toán. Điều này dẫn đến các giao dịch phải diễn ra “ngầm” hoặc diễn ra ở nước ngoài. Khi đó Nhà nước thì thất thu thuế, nhà đầu tư thì có thể đối diện với nguy cơ bị lừa đảo.

Chiều 24/02, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, không để chậm chân, không để mất cơ hội liên quan đến tiền kỹ thuật số. Tổng Bí thư đồng tình với đề xuất của Ban Chính sách, chiến lược trung ương về việc cần sớm quản lý tiền kỹ thuật số dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hóa và cụ thể hóa để quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập "sàn giao dịch" cho hoạt động đầu tư tiền kỹ thuật số.

Các con số quan trọng về tài sản mã hóa và blockchain tại Việt Nam

Ngày 01/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 05 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới. Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3 năm 2025 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.

Phát biểu tại tọa đàm "Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số" diễn ra vào ngày 08/3 tại TP.HCM, ThS. Mai Hoàng Phước - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật nhấn mạnh: "Việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp quản lý hiệu quả tài sản kỹ thuật số, thu hút đầu tư và thúc đẩy các dự án mang lại giá trị cho cộng đồng. Đồng thời, các quy định chặt chẽ sẽ nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ phân biệt tài sản thực sự và hạn chế rủi ro, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững."

ThS. Mai Hoàng Phước - Giảng viên ĐH Kinh tế Luật phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc Việt Nam xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Đặc biệt, các mô hình thí điểm như "sàn giao dịch thử nghiệm có kiểm soát" cần được triển khai sớm để đánh giá tác động và hoàn thiện cơ chế quản lý.

Điều này cho thấy tính cấp thiết trong việc xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đảm bảo an toàn tài chính và tận dụng cơ hội phát triển kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: