Vang mãi "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

MINH NGỌC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/6/2023, 09:04

(HTV) - Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, 3 năm sau, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gay go, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian quý hiếm của mình để nghĩ về vấn đề thi đua.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Đó là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc và đồng thời nêu ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta. 75 năm đã qua nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vang mãi, vẫn còn đầy tính hiện thực, luôn thúc giục lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của mỗi người dân Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian quý hiếm của mình để nghĩ về vấn đề thi đua yêu nước

Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Để "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước". 

 75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. 

Những phong trào thi đua trên khắp các mặt trận

 Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, có tác động lan tỏa trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng

 75 năm - một chặng đường lịch sử, cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Ý kiến của bạn: