UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng phạm vi tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ túi ni-lông.
Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni-lông khó phân hủy vào các hoạt động giáo dục, truyền thông phù hợp cho học sinh tại các trường học.
Sở Công Thương cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận-huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi ni-lông cho người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng đem túi ni-lông thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy; đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng và đề xuất giải pháp kinh tế để tác động đến người tiêu dùng, tiểu thương, các đơn vị kinh doanh, sản xuất.
Cơ quan thuế cần kiểm tra, giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy.
Chi cục Quản lý thị trường TP tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni-lông.
UBND các quận-huyện cần khảo sát các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế và xử lý túi ni-lông tại địa phương; đánh giá công nghệ tái chế túi ni-lông, kiểm soát mức độ ô nhiễm của các cơ sở này nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hệ thống thu mua phế liệu, tái chế hiện nay trên địa bàn TP.