TP.HCM nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

ĐÀO TRƯNG - THU TÌNH - THU HẢI - KIM LOAN - TRÚC QUỲNH - LAN HƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 8/11/2023, 04:00

(HTV) - Năm 2023, TP.HCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công, gồm vốn trung ương và vốn địa phương, cao gấp hai lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 10, TP.HCM chỉ giải ngân được 36% vốn được giao.

Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, Chủ tịch UBND TP.HCM phát động “60 ngày đêm” giải ngân đầu tư công, kiên quyết mục tiêu đạt 95%.

Khi quyết định dự toán ngân sách nhà nước 2023, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ và thấy rõ sau 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề, tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái hiện hữu. Nhà nước đã phải chấp nhận tăng tỉ lệ bội chi ngân sách, nới lỏng chính sách tài khoá để có nguồn bổ sung, tăng nguồn đầu tư nhà nước. 

Không chỉ nới lỏng chính sách tài khoá, nhà nước còn nới lỏng chính sách tiền tệ để thu hút nguồn lực tăng cho đầu tư phát triển.

Vậy vì sao giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm? Điểm nghẽn nằm ở đâu? Thể chế còn nhiều bất cập? Hay do năng lực của đội ngũ thực thi? Có được nguồn tiền nhưng lại chậm trễ đưa tiền vào nền kinh tế, làm hạn chế bước tiến của xã hội. Đó là một sự lãng phí nặng nề.  

TP.HCM đã tổ chức riêng các phiên họp về vấn đề đầu tư công để tìm những điểm nghẽn, khó khăn trong giải ngân khi sự chậm trễ đã đến mức đáng lo và cần những giải pháp mạnh để tháo gỡ. Dù lãnh đạo TP.HCM đã rất quyết liệt, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhưng đến nay TP.HCM chỉ mới đạt tỉ lệ giải ngân 36%. 

Có 479 dự án giải ngân trên 95% nhưng không lớn, chỉ hơn 1.100 tỷ đồng; cùng 320 dự án đã giải ngân trên 100%. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết còn 19 đơn vị chưa gửi cam kết tiến độ giải ngân các dự án.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao suốt bao nhiêu năm qua, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn nan giải? Về yếu tố khách quan, vẫn biết là mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau, trong đó TP.HCM "tấc đất, tấc vàng", nếu đền bù sai sẽ dẫn tới khiếu kiện và quá trình thực hiện dự án sẽ phức tạp, khó khăn hơn. Nhưng về yếu tố chủ quan, vấn đề nhanh hay chậm trong giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào năng lực quản lý, năng lực triển khai của người có trách nhiệm. 

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phát động "60 ngày đêm" chạy nước rút để hoàn tất mục tiêu giải ngân 95% vốn giao. Áp lực này đè nặng lên các cơ quan đơn vị trong 02 tháng cuối năm. Có thể thấy, tình trạng giải ngân vốn chậm, có tiền mà không tiêu được là vấn đề nóng hiện nay nhưng lại không phải vấn đề mới. Việc khắc phục những tồn tại, yếu kém về quản lý đầu tư xây dựng nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng cũng chưa có những chuyển biến rõ ràng. Ở góc độ nhìn nhận của các chuyên gia, đâu là những nội dung cần được chấn chỉnh, để giải ngân không còn là chuyện khó, mà phải là chuyện vui. Từ đó, TP.HCM có thể đón nhận nhiều hơn những cơ hội phát triển. 

Nguyên nhân chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công là gì?

 

Quốc hội đã nhiều lần đề cập chủ trương, giải pháp đẩy nhanh quá trình giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả. Cụ thể như việc thí điểm tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án. Với một số dự án giao thông trọng điểm, chúng ta đã cho giải phóng cả khu quy hoạch mới đấu thầu sử dụng đất. Việc để chậm trễ trong phân bổ vốn đầu tư công là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng. Đây chính là lãng phí. Do đó, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.

Tại TP.HCM, có tình trạng ban bồi thường giải phóng mặt bằng một số địa phương chưa làm hết sức, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng Ủy ban đề xuất kế hoạch điều hòa vốn, tức chuyển vốn đầu tư công nội bộ nhằm tối đa hóa khả năng giải ngân.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng Ủy ban phải xác định được địa chỉ giải ngân cho khoảng 12.000 tỷ đồng. Ngoài nhận diện những nguyên nhân do cơ chế chính sách, phải làm rõ được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, từng khâu trong việc dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Dự án nào chậm do trách nhiệm của sở ngành, quận huyện, lãnh đạo các cơ quan này? Dự án nào chậm do trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém năng lực?

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: “Liên quan các dự án trọng điểm, 34 dự án, có 27 dự án là công trình giao thông. Cần rút kinh nghiệm về bồi thường giải phóng mặt bằng, về sự chủ động điều hành của chủ đầu tư, chưa xây dựng tiến độ chi tiết để theo dõi và kiểm điểm trách nhiệm. Về năng lực điều hành, kiến nghị đẩy nhanh giao vốn để triển khai Nghị quyết 98 gồm 5 dự án BOT. Phấn khởi khi Vành đai 2, Vành đai 4, Cầu Cần Giờ,… cần cân đối vốn trung hạn”.

Lãnh đạo TP.HCM sẽ xử phạt nghiêm trường hợp chậm trễ thực hiện vốn đầu tư công 

Đến nay, có 18 chủ đầu tư chưa giải ngân dù năm 2023 được giao hơn 5.900 tỷ đồng. Dự kiến có 1.807 dự án sẽ giải ngân đạt 95% và khoảng 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân là hơn 19.500 tỷ đồng.

Lý do là nhiều dự án chưa được quận, huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt, dẫn đến không thể giải ngân.

Đơn cử như dự án Vành đai 3 TP.HCM được UBND TP.HCM phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau khi rà soát hồ sơ pháp lý đất của người dân và quỹ đất đền bù, các địa phương xác định tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho dự án còn 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với mức phê duyệt. 

Vành đai 3 không phải dự án duy nhất thừa vốn ở TPHCM. Danh sách dự án thừa vốn còn có đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) giảm 225 tỷ đồng; đường D8 (đoạn từ Bùi Minh Trực đến Tạ Quang Bửu, Quận 8) giảm 50 tỷ đồng; đường Vành đai Đầm Sen (Quận 11) giảm 40 tỷ đồng; cầu Ông Nhiêu (TP. Thủ Đức) giảm 195 tỷ đồng; cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức) giảm 147 tỷ đồng,…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương khẩn trương đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển phần vốn dự kiến không giải ngân hết sang các dự án hấp thụ tốt nhằm tăng tỷ lệ giải ngân chung trên toàn thành phố.

TP.HCM nỗ lực tăng cường tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Đến nay, tỷ lệ giải ngân các công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM đạt 36% tổng vốn được giao, tổng vốn còn lại nằm trong phần xây lắp liên quan đến 74 dự án và phần vốn giải phóng mặt bằng thuộc 53 dự án.

Có thể thấy rằng, nguyên nhân chính dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công…

Để khơi thông vấn đề chậm giải ngân vốn, phải đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán. Mỗi bước rút ngắn thủ tục thì thời gian thực hiện sẽ được đẩy nhanh lên. Các luật đang được Quốc hội nghiên cứu sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Đất đai,… đều hướng tới việc tăng cường quản lý hiệu quả. Còn tại mỗi địa phương, chúng ta cần làm rõ việc trì trệ này trách nhiệm thuộc về ai, cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức nào yếu kém, buông lỏng, từ đó, xác định: Giải ngân vốn đầu tư là một nhiệm vụ trọng tâm, mang tính động lực cho phát triển. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

(HTV) - Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) là ngày lan tỏa và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số toàn dân. Chuyển đổi số - nôm na là đưa các hoạt động ở môi trường thực lên môi trường số nhằm đạt mục tiêu giải quyết công việc một cách tối ưu nhất.
Ý kiến của bạn: