Điều đáng báo động là các đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên đã chiếm đa số trong cơ cấu tội phạm
Trong thời gian vừa qua bằng nhiều giải pháp lực lượng công an quận 12 đã chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, tuy nhiên điều đáng báo động là các đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên đã chiếm đa số trong cơ cấu tội phạm và vấn đề được đặt ra là cần phải có những giải pháp ngăn chặn phòng ngừa hiệu quả hơn đến từ nhiều phía trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an quận 12, chủ công là đội tuần tra hỗn hợp 363 đã kịp thời triệt xóa nhiều băng nhóm. Gần đây nhất đã ngăn chặn kịp thời nhóm thanh thiếu niên phường Thới An chuẩn bị hỗn chiến bằng hung khí gây nguy hiểm, trong vụ này, có nhiều em đang là học sinh cấp 2.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Dư, Đội Trưởng Đội Cảnh Sát Hình Sự, Công An Quận 12, Tp.HCM chia sẻ: Sau quá trình theo dõi qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chúng tôi thấy rằng nổi lên tội phạm lứa tuổi vị thành niên, trẻ hóa, 16 đến 30, mới đây nhất khi nhận được tin báo người dân có nhóm 2 nhóm đối tượng hẹn giải quyết mâu thuẫn trên đường Lê Thị Riêng, đội hình sự xin ý kiến lãnh đạo quận triển khai ngay lực lượng 363, lực lượng này tuần tra sáng đêm, và đến hiện trường truy bắt ngay trong đêm 13 đối tượng và ngay mai lại là truy bắt thêm 7 đối tượng. Tạm giữ 17 đối tượng hành vi gây rối trật tự công cộng. Lưu ý rằng: hành vi tuy chưa gây thương tích nhưng đã cầm hung khí dài, dao, kiếm, ba chỉa quơ qua quơ lại trên đường gây bức xúc quần chúng nhân dân nguy hiểm người đi đường nên sẽ xử lý nghiêm làm gương cho các em khác theo khoản 6 điều 134 Bộ Luật Hình Sự.
Mới đây nhất, đối tượng Trần Thanh Hoàng sinh năm 1995 cùng nhóm bạn nhân viên một quán nhậu trên đường Tân Kỳ-Tân Quý (P.13, Q.Tân Bình) ngồi ăn uống tại quán. Sau đó, trong nhóm xảy ra mâu thuẫn, Hoàng đã dùng hung khí đâm ông B tử vong tại chỗ.
Tình hình hiện nay các em chịu sự tác động rất lớn từ môi trường mạng xã hội, cũng như các thông tin trái chiều đa dạng tác động vào, do đó ngoài sự giáo dục của gia đình nhà trường rất cần sự tham gia của các đoàn thể, chính quyền địa phương ở cơ sở giáo dục định hướng cho các em. CATP cũng sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả tính hoạt động của lực lượng 363 ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm đường phố trong đó có cả tội phạm trẻ vị thành niên. Công an TP cũng sẽ tham mưu cho thành ủy phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tạo ra được những sân chơi bổ ích thu hút đông đảo thanh thiếu niên, góp phần hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm.
Mình cho rằng người chưa thành niên sẽ chưa chín chắn hiểu hành vi mình đúng hay sai chưa hoàn thiện nên lỗi không hoàn toàn do người trẻ phạm tội được, có thể thông qua internet có thể vài thông tin sai lệch đi thôi tác động đến người trẻ trong cái việc phân biệt phải trái đúng sai không còn đúng nữa, điều đó rất nguy hiểm, thực tế nó đến từ các kênh web xấu, do vậy xem điện thoại hay kênh nào phụ huynh nên giám sát, phụ huynh cũng phải đầu tư cho mình, con nên học cái gì chứ không phải phó mặc hết. Thông qua công tác xét xử các vụ án hình sự liên quan người chưa thành niên được biết, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật hình sự nói chung đối với người trẻ và người lớn trong gia đình là 1 lỗ hổng cần được xem xét kịp thời.
Với góc nhìn của Thẩm Phán Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh Tòa Gia Đình Và Người Chưa Thành Niên - Tòa Án Nhân Dân Tp.Hcm thì ông thấy các em chưa nhận thức đầy đủ và không đúng đắn, ít lắm các em phải biết hành vi nào là luật hình sự xác định đó là tội phạm, hành vi nào là nguy hiểm cho xã hội, ứng xử như thế nào là có lỗi và không có lỗi, và hậu quả của nó thì các em cần phải biết để có ý thức tôn trọng pháp luật để chấp hành cho đúng. Cần giáo dục pháp luật nhất là pháp luật hình sự đối với người chưa 18 tuổi kể cả cha mẹ phải nắm rõ về pháp luật hình sự nói chung để các em nhận thức đầy đủ đạo đức xã hội cư xử cho chuẩn mực.
Nhưng nguồn gốc sâu xa phải là sự giáo dục dạy dỗ về mặt đạo đức thuần phong mỹ tục của người Việt, để các em có tính hướng thiện, từ đó cái ác bớt đi, phạm pháp hình sự giảm. Từ người thân, nhất là cha mẹ, nên ngoài tuyên truyền đủ để các em có kiến thức kỹ năng để hành xử, trang bị cho các em các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, để các em hướng thiện, tội phạm hình sự không dám nói hết nhưng sẽ giảm đi.
Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất một phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ khiến việc tiếp cận với phim ảnh, trò chơi trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, khuyến khích cho con chơi những trò chơi bạo lực thì dễ biến những đứa trẻ thành những đứa trẻ ưa bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Các chương trình trên internet không được chọn lọc dẫn đến việc tiếp thu nhiều thông tin độc hại khiến tâm lý, nhân cách trẻ bị ảnh hưởng. Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Những đứa trẻ như tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy để giáo dục được trẻ tốt thì trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh.
Theo Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan thì trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là còn có trách nhiệm của nhà trường và xã hội, mà cụ thể là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội, các đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện nay, mặc dù có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chỉ đến khi những đứa trẻ trở nên hư hỏng, thực hiện các hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mới phát hiện ra nhiều bất cập trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và kết quả giải quyết vụ án hình sự cho thấy lỗ hổng cũng như trách nhiệm của người lớn, của cơ quan tổ chức trong hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nội dung giáo dục vẫn nặng về kiến thức mà chưa thật sự chú trọng vấn đề đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục pháp luật. Những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình éo le, bị bạo lực gia đình nếu không được nhà trường và giáo viên quan tâm đúng mức khiến những đứa trẻ đó bị tách khỏi cộng đồng, dễ có những suy nghĩ tiêu cực và nhận thức không đầy đủ về cuộc sống.
Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên còn nhiều bất cập, hạn chế... Chính vì những nguyên nhân này mà ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em; trẻ em thường dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật...
Pháp luật về trẻ em nằm ở là một hệ thống bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Công ước về Quyền trẻ em, Luật trẻ em, Luật giáo dục, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong đó, có nhiều các văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định còn khó thực hiện, kém hiệu quả. Bởi vậy, giải pháp phòng ngừa tội phạm, làm cơ sở đấu tranh với tội phạm là người dưới 18 tuổi thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quyền cũng như cơ chế được thực hiện quyền của trẻ em.
Công tác cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp và các chính sách để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa giáo dục, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Bên cạnh các giải pháp về xây dựng, áp dụng pháp luật thì các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Việc kịp thời tuyên truyền pháp luật tạo cơ hội tốt cho người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm từ đó tự xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa trở thành nạn nhân của tội phạm cũng như hình thành các kỹ năng khác trong phòng, chống tội phạm.
Giáo dục tại nhà trường là một môi trường rất quan trọng giúp trẻ nhận thức được các giá trị của đạo đức, văn hóa và có cơ hội thực hành các kiến thức đã học. Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều. Nhà nước cũng cần phải ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà mạng, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức phải nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, nghiêm cấm và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.
Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Bên cạnh đó, gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng và có hành vi chuẩn mực, có kiến thức pháp luật/ Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện
Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ủy ban nhân dân cấp xã phường,.. cần nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ khi trẻ bị xâm hại đến quyền, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm tạo ra các sân chơi lành mạnh để hướng các em vào một môi trường tốt, tránh xa các tệ nạn xã hội…
Vấn đề giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân: Trẻ em sống trong môi trường gia đình là môi trường tốt nhất, an toàn nhất để phát triển và hình thành nhân cách. Bởi vậy, để có một môi trường tốt thì gia đình phải đảm bảo về điều kiện kinh tế, văn hóa. Các giải pháp về kinh tế, hỗ trợ việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân sẽ góp phần tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Khi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển thì trẻ em có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn. Việc xây dựng một cộng đồng xã hội có nền tảng văn hóa, kinh tế phát triển, con người có tri thức và hiểu biết sẽ tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển và hình thành nhân cách tốt.
Xem thêm nhiều hơn tại đây.