Toàn cảnh thảm họa tàu lặn Titan

MAI LAN - THẢO TRANG - GIA KHANG - MẠNH TRÌNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/6/2023, 11:00

Sau hơn 1 thế kỷ chìm sâu xuống lòng đại dương, cái tên Titanic lại liên tục được nhắc đến, sau khi chuyến tham quan xác con tàu này trở thành một thảm kịch mới.

Con tàu Titan được xác nhận bị ép nát dưới đáy biển, với toàn bộ 5 thành viên trên tàu lặn đã chết. Giới chức đang điều tra nguyên nhân sự việc, và những lỗ hổng trong quy định về hàng hải cũng đang là chủ đề tranh cãi trong giới chuyên gia.

Con tàu Titan mất tích - Nguồn Ocean Gate

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chuẩn Đô đốc của lực lượng Tuần duyên Mỹ John Mauger cho biết, một robot đã phát hiện một số mảnh vỡ nằm cách mũi của xác tàu Titanic khoảng 500 mét, ở độ sâu 4.000 mét, ở ngoài khơi bờ biển Cape Cod, Massachusetts. Các phân tích sau đó cho thấy đây là các mảnh vỡ từ tàu Titan, và có thể nó đã phải hứng chịu áp lực “thảm khốc” khiến buồng áp suất của tàu phát nổ.

Tàu lặn Titan chở theo 5 người đã mất tích vào ngày 18/6/2023, sau khoảng 1 giờ 45 phút lặn xuống đáy biển Đại Tây Dương để tham quan xác tàu Titanic. 5 thành viên trên tàu đều giàu có, và có thân thế đặc biệt, gồm: Tỷ phú người Anh Hamish Harding, 58 tuổi, là nhà thám hiểm nổi tiếng khi từng du hành lên vũ trụ và nhiều lần đến Nam Cực. Ông Paul-Henry Nargeolet, 77 tuổi, cựu thợ lặn của Hải quân Pháp, từng tham quan xác tàu Titanic đến 35 lần. Doanh nhân người Anh gốc Pakistan- Shahzada Dawood, 48 tuổi và con trai Suleman Dawood, 19 tuổi. Họ thuộc một trong những gia đình giàu nhất Pakistan. Hành khách thứ 5 là ông Stockton Rush, 61 tuổi, Giám đốc điều hành của OceanGate - công ty phát triển tàu Titan và vận hành tour tham quan xác tàu Titanic.

5 thành viên tàu Titan tử nạn - Nguồn: NPR

Đô đốc John Mauger cũng cho biết: Hiện còn quá sớm để biết chính xác thời điểm tàu Titan gặp nạn. Các robot sẽ tiếp tục tìm kiếm trong khu vực để thu thập bằng chứng. Tuy nhiên, việc trục vớt các thi thể chưa rõ có thực hiện được không do điều kiện khó khăn dưới đáy biển.

Do không có hộp đen, đội điều tra giờ đang tập trung thu thập mọi mảnh vỡ, đưa chúng lên mặt đất. Đây là điều then chốt giúp họ hiểu xem điều gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng.

Một câu hỏi khác là nguyên nhân có phải do tàu Titan chưa được thử nghiệm toàn diện, như nhiều chuyên gia đã lo ngại trước đây. Năm 2018, giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của hãng OceanGate - David Lochridge - đã bị sa thải khi nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn liên quan đến thiết kế chưa được thử nghiệm và kiểm chứng của tàu lặn Titan.”

Theo đó, cửa sổ quan sát của tàu chỉ chịu được áp suất ở độ sâu 1300m, nhưng xác tàu Titanic nằm ở độ sâu hơn 3800 mét. Tàu không có hệ thống lái chuyên biệt mà điều khiển bằng tay cầm PlayStation, không có máy phát định vị khẩn cấp để xác định vị trí trong các trường hợp gặp nạn. Khi lặn, Titan dùng hệ thống nhắn tin đặc biệt để nhận hướng dẫn từ tàu mẹ ở trên mặt nước.

Hàng chục chuyên gia khác cũng từng bày tỏ lo ngại về cách tàu Titan được phát triển. Ông Will Kohnen - Chủ tịch Ủy ban phương tiện dưới nước có người lái, Hiệp hội công nghệ Hàng hải nhận định: "Về mặt kỹ thuật, một trong những công nghệ độc đáo của OceanGate chính là việc họ đã dùng sợi fiber. Chưa ai từng chế tạo thân tàu áp lực bằng sợi carbon cho độ sâu như vậy trước đây. Nó không được chứng nhận, vì vậy nó không có sự giám sát trong quá trình thiết kế, chế tạo và thử nghiệm."

Còn Stefan Williams - Giám đốc Sáng kiến Khoa học Kỹ thuật số, Đại học Sydney cho biết: "Mặc dù đã có những tiến bộ trong hệ thống thông tin liên lạc, công cụ điều hướng, thiết kế kỹ thuật và vật liệu mới, việc hoạt động ở độ sâu trên 4.000m vẫn là một thách thức".

Đạo diễn James Cameron, cha đẻ của bộ phim Titanic, cũng thấy thiết kế thân tàu rất rủi ro. "Tôi đã nghĩ đó là một ý tưởng kinh khủng. Tôi ước gì mình đã lên tiếng, nhưng tôi cho rằng ai đó phải thông minh hơn mình, vì tôi chưa bao giờ thử nghiệm công nghệ đó".

Hiện chưa rõ cơ quan nào sẽ đứng đầu cuộc điều tra về nguyên nhân gây tai nạn, do chưa có quy định cho những sự cố như vậy với tàu lặn. Ngoài ra, sự việc đặc biệt phức tạp vì xảy ra ở một vùng biển xa xôi và liên quan đến nhiều người với nhiều quốc tịch khác nhau. Nhưng nhiều khả năng lực lượng tuần duyên Mỹ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Cho đến giờ, hàng loạt vấn đề được đặt ra sau tai nạn thảm khốc này, vẫn đang tiếp tục được thảo luận

Trước tiên là vì sao tàu lặn Titan chưa được kiểm định và cấp phép mà vẫn có thể tiến hành dịch vụ thương mại, tham quan xác tàu Titanic. Lỗ hổng pháp lý nằm ở chỗ xác tàu Titanic nằm ngoài khơi Canada, thuộc vùng biển quốc tế. Thông thường, tàu Titan được đưa lên một tàu vận chuyển của Canada, đi đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Đại Tây Dương, gần khu vực xác tàu Titanic rồi thả xuống đó. Vì không hoạt động trên vùng biển chủ quyền, tàu Titan không phải đăng ký với quốc gia nào, nên không phải tuân thủ các quy định liên quan.

Năm 2021, Titan thực hiện thành công chuyến tham quan xác tàu Titanic lần đầu tiên. Và chuyến đi định mệnh này là chuyến thứ 3.

Để được một chỗ ngồi trong tàu Titan, mỗi hành khách phải trả 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ đồng). Hơn nữa, họ còn ý thức rõ mối nguy hiểm mất mạng mà mình có thể phải đối mặt. Phóng viên David Pogue của đài CBS, người đã thực hiện chuyến hành trình trên tàu Titan vào năm 2022 tiết lộ rằng Ocean Gate đã yêu cầu hành khách của mình ký vào các tờ đơn miễn trừ trách nhiệm, kể cả trường hợp họ tử vong. Trong đó ghi rõ: “Hoạt động này sẽ diễn ra bên trong một tàu lặn thử nghiệm chưa được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào”, “Việc này có thể dẫn đến thương tích về thể chất, tàn tật, chấn thương tinh thần, hoặc tử vong”.

Theo các chuyên gia, đây là xu hướng du lịch thám hiểm được mô tả là "cực đoan" ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Ông Peter Anderson - Giám đốc Công ty Dịch vụ Xa xỉ KnightsBridge Circle cho biết: "Khách hàng của những tour du lịch này sẵn sàng ngồi trong lồng xem cá mập trắng khổng lồ dưới biển ngoài khơi Mexico, hay đi xem núi lửa đang hoạt động ở New Zealand để rồi mất tích không tìm được thi hài hoặc bay vào vũ trụ bằng dịch vụ cực đắt".

Các khách du lịch giàu có sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn, chấp nhận sự nguy hiểm đáng kể , để có được trải nghiệm độc lạ và cảm giác vượt qua giới hạn bản thân, đạt được một kỳ tích mới.

Sự cố bi thảm của tàu lặn Titan sẽ có tác động cực kỳ lớn đến ngành công nghiệp thám hiểm biển sâu. Theo các chuyên gia, thảm họa tàu Titan này có thể giống như vụ đắm tàu Titanic, sẽ thúc đẩy thay đổi các quy định quốc tế nhằm ngăn sự việc tương tự xảy ra.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: