Ngày 1/11, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu "Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ" giới thiệu bộ sách: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa, Gốm Sài Gòn, Tranh trường Khmer Nam Bộ
Khi nhắc nhớ sự tài hoa của những nghệ nhân ở Nam Bộ, người ta sẽ dễ dàng hình dung đến những vật phẩm thủ công mỹ nghệ và hình ảnh mỹ thuật gắn bó với sinh hoạt thường ngày và trọn cuộc đời của mỗi con người. Chính vì lẽ này, mà đội ngũ thực hiện chương trình giao lưu "Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ" muốn giới thiệu đến độc giả về cái nhìn từ bao quát đến chi tiết của gốm Nam Bộ và tranh trường Khmer Nam Bộ
Người Khmer Nam Bộ tiếp thu tôn giáo - văn hóa thông qua nghệ thuật tranh tường
Nhà nghiên cứu (NNC) Huỳnh Thanh Bình đã dành non 10 năm đi đây đó khắp hàng trăm ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu hoàn thành cuốn sách ảnh Tranh tường Khmer Nam Bộ. Qua đó, cho người đọc thấy được tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống mà trực tiếp là nghệ thuật trang trí nội ngoại thất tự viện, tranh cuộn trên vải/preah bot, tranh vẽ trên giấy bìa “kờrăng”. Tác phẩm còn đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Đề cập đến nghề vẽ tranh tường và tập thành tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Do đó, tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật.
Đặc trưng của dòng tranh tường này luôn biến đổi theo thời gian. Nếu xưa kia tranh tường mang phong cách hội họa dân gian mà đặc trưng của nó là đồ họa hai chiều, tô màu theo từng mảng và nguyên liệu chủ yếu là bột màu, có loại chất màu lấy từ thực vật và khoáng sản tự nhiên. Về sau, tranh vẽ bằng sơn dầu công nghiệp và ngày nay người nghệ nhân đã tận dụng hầu như tất cả các loại sơn có bán trên thị trường với bảng màu cực kỳ phong phú, lại tận dụng màu dạ quang để tăng phần rực rỡ gây hiệu quả trực quan... Đây là kết quả điều tra - sưu tầm chủ yếu là phương pháp điều tra điền dã để khảo sát những bức tranh tường cũ lẫn mới, đồng thời tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố các nghệ nhân vẽ tranh tường cũng như những vị Acha, sư sãi, các trí thức, cán bộ văn hóa Khmer và người dân Khmer ở các địa phương nói trên.
Những ngày điền dã là quá trình nhà ngiên cứu trao đổi để có được những kiến thức cần thiết và học hỏi thêm từ người dân bản xứ trên khắp các phum sóc đã dừng chân. “May mắn là bà con mình tốt bụng và hiếu khách lắm, nhờ sự nồng hậu như vậy mà mình mới có được những hiểu biết để viết cuốn sách này” - NNC Huỳnh Thanh Bình kể lại.
Về nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng thì dài hơi hơn, gần như dành trọn cuộc đời cho những bước chân nghiên cứu "điền dã". Ông cảm nhận rõ ràng hơn thành quả vì từ hôm nay sẽ đón nhận "gia tài chữ nghĩa" cả đời tích góp. Dành cả đời để nghiên cứu văn hóa dân gian, Huỳnh Ngọc Trảng là cái tên đầy uy tín cho những ấn phẩm viết về nhiều lãnh vực lịch sử văn hóa – nghệ thuật ở vùng đất phương Nam. Bộ sách về gốm như: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa, Gốm Sài Gòn, Gốm Lái Thiêu (đang thực hiện) được làm mới thêm nhiều hơn và bồi đắp nhiều bằng chứng rõ ràng hơn trước từ nhiều nguồn tài liệu bổ sung. Bộ sách Gốm Sài Gòn là sự cộng tác giữa nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Phúc, hai cộng sự trẻ Lưu Kim Chung - Nguyễn Đức Huy, nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, nhà sưu tập Hồ Hoàng Tuấn cùng sự giúp sức của nhiều nhà sưu tập… Bộ sách được nhiều nhà sưu tập cổ vật ủng hộ và giúp sức, kể cả các bạn trẻ tiếp bước con đường nghiên cứu sau này, Huỳnh Ngọc Trảng có vai trò như điểm tựa và sự truyền nối kiến thức không hề tồn tại khoảng cách với các thế hệ.
Gốm Cây Mai - Kẻ tiên phong đắc hữu nhiều kỹ pháp nhất
NNC Huỳnh Ngọc Trảng chọn gốm Cây Mai là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm khởi nguồn từ lý do lịch sử xuất hiện lần lượt của các dòng gốm tại vùng đất Nam Kỳ xưa. Mà điểm nổi bật của dòng gốm này là sành cứng có men màu với xương gốm chắc bền vững hơn. Bảng màu tuy không phong phú (màu xanh lam, màu xanh ve chai; các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng) nhưng tạo ra sắc thái riêng, nằm giữa sự mộc mạc và mỹ lệ, như một tạo tác hình khối mãnh liệt. Đổi lại, gốm Cây Mai sở hữu hầu như tất cả kỹ pháp trang trí để xuất hiện phổ biến khắp các công trình gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm gia dụng bài trí, gốm thờ tự, tượng thờ, tượng trang trí, ngõa tích trang trí… Tiếc thay, các dòng gốm hậu Cây Mai sau này khi quá trình đô thị hóa ở vùng Chợ Lớn phát triển (thiếu nguyên liệu và bất tiện hơn) khiến cho các nghệ nhân hàng đầu của dòng gốm này bước sang công cuộc dịch chuyển về làng nghề Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức…
Gốm Sài Gòn nghệ phẩm thời danh của Hòn Ngọc Viễn Đông
Gốm Sài Gòn là tên gọi để chỉ một dòng sản phẩm gốm sứ ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Dòng gốm này thịnh về sự lịch lãm và sắc nét với hai gam màu chủ đạo là trắng xanh và ngũ sắc được vẽ trau chuốt và kỳ công. Trong bối cảnh lịch sử đó, chúng được định danh là “gốm Sài Gòn” – bởi danh xưng Sài Gòn bấy giờ có phần thời thượng của xứ đô hội được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Cùng chung số phận với gốm Cây Mai, vào giữa thế kỷ XX dưới sức ép đô thị hóa của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng thời với sự cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều lò gốm buộc phải di dời về tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) và một số chủ lò vẫn tiếp tục giữ thương hiệu cũ.
Sắp tới, đội ngũ nghiên cứu sẽ sớm hoàn thành tập sách ảnh Gốm Lái Thiêu - một trong những dòng gốm cũng rất nổi tiếng ở vùng đất Nam Bộ.
Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ các nhà nghiên cứu luôn cố gắng đem lại cho công chúng những thông tin xác thực và những kiến thức căn bản, trước sự mai một đã báo động và đang biến mất rất nhanh trong đời sống hiện nay. Qua đó, những tập sách ảnh trên muốn chạm vào cảm xúc và lưu giữ ký ức thời gian của di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ xưa.