TikTok trước nguy cơ ngừng hoạt động tại Mỹ

MAI LAN - VĂN PHÚC - KIM NGÂN - ANH DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/3/2024, 22:00

(HTV) - TikTok, một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới, đang đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động tại Mỹ. Tình hình này đặc biệt đáng quan ngại sau khi một loạt các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu và an ninh quốc gia đã nổi lên.

Nền tảng mạng xã hội TikTok đang đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ khi Hạ viện nước này đã thông qua dự luật yêu cầu ByteDance – công ty mẹ của TikTok - buộc phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.

Dự luật nêu trên đã được thông qua với tỷ lệ áp đảo 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống.  Động thái của Hạ viện Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với TikTok kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời là biện pháp mới nhất trong một loạt hành động của Washington nhằm ứng phó với những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ đối với Trung Quốc.

 ByteDance - công ty mẹ của Tiktok. Nguồn ảnh: Getty image

Dự luật yêu cầu công ty ByteDance phải có các biện pháp để từ bỏ quyền kiểm soát ứng dụng TikTok trong vòng 180 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm cửa tại các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby trong cuộc họp báo ngày 17/3. Nguồn ảnh : Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby, hôm 17/3 đã kêu gọi Thượng viện Mỹ nên nhanh chóng thông qua dự luật liên quan đến TikTok, vì lo ngại bảo mật dữ liệu liên quan đến người Mỹ sử dụng nền tảng video này.

Trước đó, Nhà Trắng cũng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sẵn sàng ký ban hành thành luật nếu dự luật này được Quốc hội thông qua. Dự luật có tên "Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát”, cho phép Tổng thống cấm các ứng dụng nếu được cho là nguy hại tới an ninh quốc gia.

Gần như ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua liên quan đến TikTok đã đặt Mỹ vào thế đối lập với nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế và thương mại quốc tế.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Nguồn ảnh: Skynew

"Nếu cái gọi là lí do an ninh quốc gia có thể được dùng để tùy tiện áp đặt lên các công ty cạnh tranh từ các nước khác thì hoàn toàn không công bằng và chính đáng" ông Uông Văn Bân cho biết.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng cách Mỹ giải quyết vụ TikTok sẽ cho thế giới thấy rõ những quy tắc và trật tự của Mỹ thực hiện sẽ có lợi cho thế giới hay chỉ phục vụ cho chính nước này.

TikTok hiện có tới 170 triệu người dùng tại Mỹ, là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các “ứng dụng của người Mỹ” như Facebook, Youtube hay Instagram. Hơn cả một ứng dụng để chia sẻ các video, TikTok còn là nơi “hái ra tiền” của những người làm sáng tạo nội dung, hay còn gọi là TikToker. Chính vì thế, nhiều người sáng tạo nội dung đang lo sợ rằng thu thập của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu lệnh cấm được thông qua.

Tiktoker Jensen Savannah, thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ. Nguồn ảnh:  Reuters

Jensen Savannah - 29 tuổi đến từ thành phố Charlotte, bang North Carolina. Cô bắt đầu làm nội dung trên TikTok trong đại dịch COVID-19. Sau khi trở thành một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu nhập của Savannah đã tăng gấp ba lần và cô đã nghỉ làm công việc bán hàng qua điện thoại. Cô cho biết nếu Tiktok bị cấm sẽ ảnh hưởng đến một nửa thu nhập cá nhân của cô.

 Marcus Bridgewater - Tiktoker về làm vườn ở Mỹ. Nguồn ảnh: Reuters

Một TikToker khác tại Mỹ là Marcus Bridgewater với niềm đam mê trồng cây. Anh thừa nhận TikTok có thể gây nghiện, đặc biệt là với người trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, Bridgewater cho rằng chính phủ nên tập trung vào vấn đề trên, thay vì tìm cách cấm chỉ vì nó liên quan tới Trung Quốc. Anh cũng cho biết mình đang phải tìm cách để thay thế nguồn thu từ Tiktok.

Lệnh cấm TikTok: "Cơn ác mộng" cho những người sáng tạo nội dung?

Nhóm biểu tình phản đối dự luật cấm Tiktok ở Mỹ. Nguồn ảnh: AP

Nhiều người dùng TikTok, sáng tạo nội dung và những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ để phản đối cuộc bỏ phiếu về dự luật liên quan đến TikTok.

TikTok: Nguy cơ sụp đổ cho nền kinh tế sáng tạo?

Châu Thụ Tư - CEO Tiktok. Nguồn ảnh: Reuters

Ông Châu Thụ Tư - CEO Tiktok nói: "Chúng tôi biết TikTok quan trọng như thế nào đối với tất cả các bạn. Nó đã mang lại cho 170 triệu người sử dụng của chúng tôi một cơ hội nền tảng để tự do thể hiện bản thân và đã trao quyền cho hơn 7 triệu doanh nghiệp ở Hoa Kỳ. Nền tảng của chúng tôi quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ dựa vào TikTok để kiếm sống."

Ngoài ra, TikTok còn là một nguồn tin tức lớn ở Mỹ. Theo trung tâm nghiên cứu Pew, 1/3 số người trưởng thành dưới 30 tuổi cho biết họ đọc tin tức từ nền tảng này.

Ông Châu Thụ Tư khẳng định TikTok sẽ không ngừng đấu tranh và sẽ sử dụng các quyền lợi hợp pháp để ngăn chặn lệnh cấm này.

Không chỉ ở Mỹ, chính phủ nhiều nước cũng đang có các biện pháp để kiểm soát TikTok và các mạng xã hội nói chung. Ngày 15/3, Canada cho biết đang tiến hành đánh giá an ninh quốc gia đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc). Tuy nhiên, Ottawa khẳng định việc đánh giá này không liên quan đến dự luật cấm TikTok vừa được Hạ viện Mỹ thông qua hồi giữa tuần.

Biểu tượng Tiktok tại văn phòng ở Culver City, Mỹ. Nguồn ảnh: AFP

Bộ Công nghiệp Canada cho biết, việc đánh giá TikTok đã được triển khai từ tháng 9 năm ngoái theo quy định của Đạo luật Đầu tư Canada. Sau khi hoàn tất, Bộ sẽ thông báo về kết quả đánh giá cũng như các biện pháp xử lý liên quan.

Bộ Công nghiệp Canada cũng nhấn mạnh tới thông báo hồi tháng 3 năm ngoái về việc giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số tương tác. Theo đó, các trường hợp bị phát hiện “tuyên truyền thông tin sai lệch hoặc thao túng thông tin theo cách gây tổn hại đến an ninh quốc gia Canada” có thể phải đối mặt với các biện pháp hạn chế, thậm chí là lệnh cấm.

Trước đó, Canada đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động của chính phủ liên bang từ tháng 2 năm ngoái.

Trong khi đó, tuần qua, Cơ quan chống độc quyền của Italia đã phạt TikTok 10 triệu euro, tức khoảng 10,9 triệu đô la Mỹ, vì không bảo vệ được trẻ vị thành niên khỏi những nội dung độc hại.

Cơ quan trên nhấn mạnh, TikTok đã không có biện pháp hiệu quả để kiểm soát nội dung trên nền tảng này, đặc biệt là những nội dung có thể đe dọa đến sự an toàn của trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, TikTok cũng sử dụng thuật toán để khuyến khích việc sử dụng ứng dụng này ngày càng nhiều hơn.

Dù vậy, theo một số chuyên gia, thì việc cấm các mạng xã hội chỉ giải quyết được “bề nổi của tảng băng chìm”.

Lo ngại về TikTok: Cấm hay tìm giải pháp? 

Với các doanh nghiệp công nghệ, sự rút lui của một nền tảng đông người dùng sẽ để lại khoảng trống lớn trên thị trường, và đó cũng là lúc họ có cơ hội để tìm kiếm những khách hàng mới.

Một lệnh cấm TikTok có thể gây ra những hệ lụy sâu rộng, trong đó có cả những vấn đề cơ bản như hàng triệu người dân Mỹ sẽ sử dụng thời gian rảnh của họ thế nào. Tuy nhiên, hiện tại, quyết định vẫn nằm ở các cơ quan lập pháp.  

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: