Hiệu quả khi nông dân tiếp cận công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

PHƯƠNG LINH - MINH CHƯƠNG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/6/2024, 19:00

(HTV) - Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu, giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn nông sản.

Điều này không chỉ góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận mà còn nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Hội thảo Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn liền với nông nghiệp đô thị

Tại "Hội thảo Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn liền với nông nghiệp đô thị" do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về những thách thức này. Họ nhận định rằng, chi phí đầu tư cao, trình độ kỹ thuật thấp, quy mô nông trại nhỏ lẻ, cùng với các chính sách chưa đủ mạnh là những yếu tố hạn chế việc triển khai công nghệ số trong lĩnh vực này.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rào cản

Tâm lý e ngại khi tham gia chuyển đổi số cũng là một rào cản lớn đối với người nông dân. Để khắc phục điều này, cần nhìn nhận đúng mục tiêu của chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Việc hỗ trợ từ nhà nước trong việc cung cấp kiến thức, kỹ thuật, và chính sách tín dụng là rất quan trọng để giúp người nông dân vượt qua những rào cản này. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam

Theo Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam, muốn làm tốt thì chúng ta phải thay đổi tư duy nhận thức trước, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh, sản xuất trước rồi mới đưa công nghệ vào. Các nhà quản lý cũng phải tập trung vào các chương trình đào tạo, phải có chính sách đúng người đúng nơi.

Nâng cao chất lượng nông sản, chăn nuôi qua ứng dụng công nghệ số

Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung vào thúc đẩy chuyển dịch và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững, hướng đến mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp của thành phố ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sử dụng đất.

 

Ý kiến của bạn: