(HTV) - Chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên Đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM.
Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các ban bộ, ngành trung ương và các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tổ chức tài chính.
Phiên đối thoại tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM
Phiên Đối thoại chính sách là dịp để cùng đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp đột phá tháo gỡ những nút thắt, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam, tập trung vào định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng công nghiệp 4.0, công nghệ cao và sinh thái; chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, bền vững; các chính sách, đặc thù và tiềm năng bứt phá của TP.HCM; chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: từ 2026 đến nay, ngành công nghiệp Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc dựa trên 4 ngành trọng yếu. Tuy nhiên, công nghiệp Thành phố đến nay đang đứng trước nhiều thách thức như phát triển thiếu bền vững, gia công lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao, công nghệ đã dần lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều tài nguyên...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định: Để khắc phục những hạn chế này, việc chuyển đổi ngành công nghiệp của thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết. Công nghiệp thành phố cần phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chíp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh gắn liền với chuyển đổi số. Đồng thời, cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính. Đặc biệt, việc hình thành các ngành công nghiệp mới như năng lượng, dược phẩm, văn hóa, điện ảnh là vô cùng quan trọng.
Trả lời câu hỏi Chính phủ đã có những chiến lược, kế hoạch hay chính sách vĩ mô nào trong giai đoạn tới để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết có 3 nhóm nội dung trọng tâm, trong đó việc chuyển đổi công nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng bộ Kế hoạch - Đầu tư chia sẻ về động lực thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp: Chúng ta cần đặc biệt nhấn mạnh hai quá trình chuyển đổi song song là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để thực hiện hai chuyển đổi này, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một nhu cầu cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là hai quyết định mang tính then chốt, mở ra giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Ngoài ra, Chính phủ còn xây dựng các nghị định, quy định và cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, góp phần hoàn thiện hạ tầng số, hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng xanh, hạ tầng y tế, giáo dục và văn hóa. Đồng thời, cần hình thành một hệ thống quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi, xây dựng lộ trình đào tạo nhân lực rõ ràng, có kế hoạch và huy động sự hỗ trợ, chia sẻ từ cộng đồng quốc tế.
Liên quan đến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, trong đó, đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho từng ngành.
Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: Trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp, có nhóm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong hoạt động sản xuất. Cụ thể, nhóm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thiết kế sinh thái để đạt được các tiêu chí của KTTH. Thứ hai là hỗ trợ áp dụng các mô hình KTTH vào sản xuất kinh doanh. Thứ ba là thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), ứng dụng công nghệ số và các kỹ thuật tiên tiến nhất để thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cũng có nhóm giải pháp về tăng cường quản lý chất thải, biến chất thải của ngành này thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, từ đó hình thành các chuỗi sản xuất theo từng vùng miền.
Cùng với đó, Thủ tướng đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu đạt Net-Zero và lộ trình thực hiện.
Về thu hút đầu tư nước ngoài FDI, Thủ tướng nhấn mạnh đây là nguồn vốn mang tính đột phá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao về Diễn đàn kinh tế 2024 do TP.HCM tổ chức
Phát biểu bế mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao về Diễn đàn kinh tế 2024 do TP.HCM tổ chức. Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP.HCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Phát biểu tiếp thu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: UBND thành phố sẽ tập trung xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt là về các nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi công nghiệp. Mục tiêu là để TP.HCM tiếp tục là hình mẫu về chuyển đổi công nghiệp thành công, tạo động lực cho cả vùng và lan tỏa ra cả nước, đồng thời trở thành địa phương tiên phong thử nghiệm các chính sách mới. Cùng với việc khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để trung tâm sớm đi vào hoạt động hiệu quả.
Chính phủ và các bộ ngành sẽ có trách nhiệm xây dựng thể chế cùng TP.HCM, ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố, xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TP.HCM vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9