(HTV) - Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, với những yêu cầu khắt khe về phát triển xanh từ thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tiến độ giảm khí thải carbon.
Nhiều thách thức vẫn đang tồn tại là nhận định của các chuyên gia tại Phiên thảo luận "Khử carbon trong sản xuất và thương mại" trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024 diễn ra tại TP.HCM.
Phiên thảo luận "Khử carbon trong sản xuất và thương mại"
Theo các chuyên gia, vấn đề giảm phát thải CO2 ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn từ “quan tâm” đến “thực sự hiểu” và “thực hành”. Xét các lĩnh vực đang được điều chỉnh bởi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM của EU, trong khi thép và nhôm đã có bước tiếp cận kỹ hơn, thì ngành xi măng vẫn còn chậm.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, nhận định: "Để thu hẹp dấu chân carbon, cùng với sử dụng năng lượng tái tạo cũng như thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS) là một trong những giải pháp đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Song điều kiện đi kèm là cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách, công nghệ, đặc biệt là tài chính".
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
Bà Dilan Celebi - chuyên gia kỹ thuật về quy trình sản xuất CCUS của Tập đoàn Messer, cho biết cho biết việc thu giữ và tái sử dụng carbon cần có khoảng đầu tư rất lớn, khoảng 60-65 USD/tấn. Để vượt qua thách thức về chi phí, thông thường sẽ có tài trợ từ Chính phủ hoặc các quỹ đầu tư công cộng cho các dự án. Ngoài ra, có thể áp dụng thuế carbon, như tại Indonesia, chi phí thu giữ và tái sử dụng carbon được gộp vào giá thành sản phẩm.
Bà Dilan Celebi - chuyên gia kỹ thuật về quy trình sản xuất CCUS của Tập đoàn Messer
Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến cũng nhấn mạnh rằng: "Chính phủ cần hoàn thiện khung thể chế và các quy định liên quan. Khung thể chế phải chi tiết, khả thi và đặc biệt là tính toán, đo lường tín chỉ carbon một cách chính xác".
Các chuyên gia cho rằng, CBAM không đơn thuần là quy chuẩn riêng của EU mà có khả năng sẽ được áp dụng tại nhiều thị trường khác trong thời gian tới. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng thay đổi, họ sẽ tự đánh mất cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng thay đổi, họ sẽ tự đánh mất cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9