(HTV) - Tổng Bí thư Tô Lâm: Xác định từ nay đến 2030 là giai đoạn quan trọng nhất, xác lập trật tự thế giới mới.
Trước cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết của mình đã khẳng định, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.
Tổng Bí thư Tô Lâm xác định từ nay đến 2030 là giai đoạn quan trọng nhất, xác lập trật tự thế giới mới
Ông Đỗ Đăng Ái - Phó Chủ tịch UBND Quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: "Chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận hành, phân tích xu hướng tiêu dùng, cạnh tranh để đưa ra chiến lược quảng cáo, bán hàng hiệu quả, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, chăm sóc tốt khách hàng hiện có. Vai trò của chính phủ số, chính quyền số là không nhỏ, vì đó là cơ sở ban đầu cho công dân số và doanh nghiệp số thực sự được thúc đẩy".
Còn tại TP. Thủ Đức, từ đầu tháng 8/2024, người dân có thể tham khảo 45 lớp dữ liệu về quy hoạch, xây dựng, bệnh viện, trường học, dự án đầu tư công... trên địa bàn bằng cách truy cập website hoặc tải ứng dụng hệ thống quản lý thông tin (GIS).
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Thông tin TP. Thủ Đức, TP.HCM
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Thông tin TP. Thủ Đức, TP.HCM nhận định: "Chuyển đổi số giờ đây không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số ".
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, có đầu tư vào công nghệ thông tin, có chỉ tiêu rõ ràng về phát triển kinh tế số, tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức đặt ra.
Theo GS. TS. Trần Thọ Đạt - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kinh tế số là một phương thức sản xuất mới. Thể chế không chỉ là theo kịp với sự phát triển kinh tế số mà còn là kiến tạo động lực cho kinh tế số, tạo điều kiện cho các phương thức sản xuất kinh doanh mới có cơ sở pháp lý để hình thành và phát triển. Nhà nước cố gắng làm sao đúng như chủ trương của mình đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng mình là một trong những ưu tiên chính sách. Phải phát triển không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, để đáp ứng yêu cầu của phương thức sản xuất mới trong nền kinh tế số.
"Đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra tầm nhìn vĩ mô và một nhận định hết sức sâu sắc. Chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại. Nếu như ta nhìn vào yếu tố dữ liệu, có thể thấy, đây là tư liệu sản xuất mới, giúp cho các ngành công nghiệp truyền thống khác phát triển một cách toàn diện. Dữ liệu đầu vào kết hợp với các ứng dụng phân tích dữ liệu chính là điều kiện để giúp cho các ngành kinh tế, công nghiệp hiện nay hướng tới tối ưu hóa quy trình và mô hình kinh doanh" là chia sẻ của bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM.
TP.HCM đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu để hỗ trợ chương trình chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh. Chiến lược này xác định các nhóm dữ liệu ưu tiên để đầu tư và khai thác hiệu quả đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Thành phố cũng đang nghiên cứu tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính bằng cách tự động hóa một số công đoạn, giúp rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Việc sử dụng hiệu quả dữ liệu và ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa được coi là then chốt để hình thành "phương thức sản xuất số" trong hoạt động của chính quyền.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9