Tạo bứt phá cải cách hành chính

Sỹ Thành 27/5/2019, 08:06

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm để tạo "bứt phá" trong hoạt động cải cách hành chính.

Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã dần được cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.    

Trên tinh thần tự nguyện, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động và đạt được những kết quả như: đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; công bố Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính... Một số cơ quan thành viên cũng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác của Hội đồng.

Để tạo “bứt phá” trong hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và từng thành viên tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra chuyên ngành …

Thứ hai, tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, phản ánh về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Trong đó lưu ý các ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương; trong đó, tập trung vào đánh giá theo chuyên đề, ví dụ: chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề đánh giá về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp (nghiên cứu, bổ sung đánh giá về chi phí không chính thức, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc), bảo đảm khách quan, hiệu quả, thực chất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố, công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.  

Thứ tư, chủ động tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện đúng và trúng những vấn đề đang là nút thắt, rào cản, đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trong đó tập trung giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh… để lan tỏa tinh thần cải cách, tạo động lực mới tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng phát triển đất nước.
Ý kiến của bạn: