(HTV) - Các đại biểu đã phân tích vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức trong kết nối các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Trong thu hút nguồn lực kiều bào, TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước với khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với Thành phố, khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 ngàn tỷ đồng. Có những chính sách tạo điều kiện và thu hút sẽ giúp TP.HCM tận dụng được nguồn lực dồi dào này cho sự phát triển kinh tế Thành phố.
Đó cũng là những nội dung được các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở các nước trao đổi tại tọa đàm quốc tế vào sáng nay, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức.
Toạ đàm quốc tế với chủ đề "Vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TP.HCM". Các đại biểu đã phân tích vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức trong kết nối các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn, nguồn nhân lực Việt đóng vai trò ngày càng sâu trong dây chuyền sản xuất, cũng như điều hành tại Nhật. Họ đến để làm việc và kinh nghiệm đó có thể được tận dụng để phát triển quê hương.
Bà Phạm Thị Nhung - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật
Theo Bà Phạm Thị Nhung - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật, "nguồn nhân lực đưa qua Nhật rất nhiều dạng, du học, xuất khẩu lao động, tất cả đều có thể về cống hiến cho đất nước, người Việt mình rất giỏi, các tiến sĩ, giáo sư đang làm việc tại Nhật, những vị đó có thể về cống hiến cho đất nước trực tiếp hay gián tiếp."
Các kiều bào cho rằng TP.HCM có sức trẻ, có đội ngũ lao động trí thức nhất cả nước, vì thế cần tận dụng nguồn lực cũng như Nghị quyết 98 để tạo động lực phát triển đột phá hơn. Cần tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi nổi, thu hút kiều bào đầu tư.
Bà Trần Tuệ Chi - kiều bào Singapore, cố vấn cấp cao Việt Nam Brand Purpose cho rằng: "Với Nghị quyết 98, trong đó có một phần rất quan trọng đó là phát triển TP. Thủ Đức. Tôi rất mong muốn TP. Thủ Đức sẽ trở thành cái điểm đến đổi mới sáng tạo, và khởi nghiệp. Rất muốn TP. Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung sẽ thành lập được một khu phức hợp dịch vụ như các Thành phố lớn trên thế giới. Hiện tại TP. Thủ Đức có các vườn ươm, tổ chức rất nhiều hội thảo, nhưng tôi nghĩ cần tập trung nhiều hơn về chất hơn là về lượng."
Với doanh nhân Lâm Chí Thiện - Kiều bào Úc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhãn bao bì Vina Úc, "chính sách tạo điều kiện cho kiều bào mua bất động sản tại Việt Nam là một chính sách quan trọng có sức hút. Người ta nói an cư mới lạc nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài khi về đây đầu tư thì muốn có chỗ do người ta tạo ra được và làm chủ, và chuyện sinh hoạt di trú qua lại, tạm trú dễ dàng, chính sách này phát triển trong thời gian vừa rồi, tạo động lực thích thú cho người ta quay trở về."
Chia sẻ về chủ đề tạo điều kiện cho kiều bào, thu hút đầu tư, Bà Mai Phong Lan - Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đối với kiều bào, TP.HCM rất chú trọng để thu hút nguồn lực. Thành phố đang xây dựng đề án thu hút nguồn lực từ kiều bào, thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối các kiều bào, hiện nay các danh mục kêu gọi của Thành phố là về tài chính, về cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị thông minh, xử lý rác thải. Thế mạnh từ các nước sẽ vận động nguồn vốn ODA đầu tư hệ thống hạ tầng lớn của Thành phố."
Hiện TP.HCM có 2,8 triệu kiều bào ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, về các lĩnh vực mà kiều bào hoạt động và nghề nghiệp của họ thì Thành phố chưa có dữ liệu. Vì thế, việc xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào sẽ là động lực để tập hợp kiều bào ở tất các quốc gia, vùng lãnh thổ theo nhóm, phát huy được vai trò của họ, có thể hỗ trợ Thành phố khi cần.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9