Sức cầu tín dụng thấp, đẩy áp lực lên kinh tế cuối năm

HỒNG DIỄM - THU TÌNH - TRẦN HÙNG - THANH PHONG - THÁI PHƯƠNG - QUANG HUY - PHONG TRẦN - PHƯƠNG TRINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/11/2023, 17:00

(HTV) - Áp lực càng cao khi tính đến 24/10, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2022, chưa bằng một nửa so với định hướng điều hành cả năm 2023 là 14 đến 15%.

Sức cầu tín dụng thấp - áp lực không chỉ của riêng ngành ngân hàng, mà còn đối với mục tiêu chạy nước rút để bứt phá kinh tế 2 tháng cuối năm, nhất là khi cả 3 động lực tăng trưởng chính: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có nhu cầu lớn về nguồn vốn. 

Ngân hàng Nhà nước bốn lần giảm lãi suất điều hành, với mức từ 0,5 đến 2%/năm. Qua đó giúp kéo giảm lãi suất cho vay mới tại các ngân hàng thương mại khoảng 2,2% so với cuối năm 2022.

Cùng với đó, hàng loạt chương trình hỗ trợ lãi suất, gói tín dụng ưu đãi được triển khai như: 

- Gói hỗ trợ 2% lãi suất, tương đương quy mô 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 

- Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản

- Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản

Nguồn cung tiền dồi dào, song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất chậm. 

 

 

Vẫn là câu chuyện cung - cầu tín dụng khó gặp nhau, thế nhưng so với năm 2022, cục diện dường như khác hẳn. Nếu như năm ngoái, doanh nghiệp "khát vốn" trong khi room tín dụng của ngân hàng khá chật hẹp, thì năm nay, nền kinh tế vẫn "khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn", ngân hàng đau đầu vì "thừa tiền", phải "đốt đuốc" tìm doanh nghiệp để cho vay. Dĩ nhiên, phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn.  Các thành viên thị trường ví von rằng: các ngân hàng sẵn sàng "trải thảm" mời gọi cho vay đối với các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, thậm chí còn chấp nhận cho vay tín chấp. Tuy nhiên với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong tổng số lượng doanh nghiệp, thì việc vay vốn trong bối cảnh hiện nay "không đơn giản".

Công ty Cổ phần phát triển Thương hiệu Việt từng có kế hoạch xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nhưng thời điểm này phải tạm dừng tất cả. Tình cảnh "khó chồng khó" khi các đối tác - các doanh nghiệp bất động sản đang vướng mắc tài chính, thanh toán công nợ chậm. Tiền từ đối tác chưa về, trong khi doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng nên doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai các hạng mục theo hợp đồng.

Công ty Cổ phần Công nghệ TK25 đang chuyển đổi từ mô hình công ty phần mềm sang mô hình hệ sinh thái, trong đó có thiết bị phần cứng, IoT hỗ trợ, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đây là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, nhưng chính vì sự chuyển đổi này, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được các nguồn vốn ngắn hạn với quy mô nhỏ, khó với tới nguồn vốn trung và dài hạn.

Đối với nhu cầu vay vốn đầu tư trung và dài hạn, mặt tích cực hiện nay là lãi suất đã được giảm, song Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tỏ vẻ "ngần ngại".

Không thể "nới lỏng" bằng mọi giá các điều kiện vay vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, song rõ ràng, nếu các điều kiện cho vay quá khắt khe thì cũng khó đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh sức cầu trong nước và thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Nỗ lực giải quyết được ách tắc trong lưu thông dòng vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua là có, song kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Đặc biệt, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giải ngân khá "nhỏ giọt".

 

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp cho biết, dù có đủ điều kiện nhưng chọn không vay do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp cũng cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ như phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước. 

Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sẽ thực hiện tiếp chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt được, sẽ hủy dự toán. 

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: nguyên nhân giải ngân còn chậm là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. 

 

Trong khi hai chính sách hỗ trợ trên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 06 cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đang phần nào giúp cho doanh nghiệp bớt áp lực. 

Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng địa bàn thành phố đã thực hiện cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ cho hơn 34.600 khách hàng, với tổng dư nợ cơ cấu khoảng gần 39.000 tỷ đồng, chiếm 27% so với cả nước.

Chưa đầy 2 tháng là kết thúc năm 2023.  Kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,5-6% là rất thách thức. Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng chính. Trong đó, đầu tư và xuất khẩu dù có dấu hiệu tích cực song được đánh giá khó tạo đột phá mạnh trong thời gian quá ngắn. Tiêu dùng cuối năm theo thường lệ sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn các quý trước. 

3 động lực tăng trưởng cuối năm: Đầu tư, Xuất khẩu, Tiêu dùng

Để chuẩn bị cho dịp cuối năm, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Bên cạnh sự nỗ lực, doanh nghiệp vẫn rất cần những trợ lực để tăng tốc.  

Doanh nghiệp cần trợ lực để tăng tốc

Cùng với hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, phải tăng cường giải pháp để kích cầu tiêu dùng. Khi hàng hóa được tiêu thụ, doanh nghiệp sẽ gia tăng sản xuất, kích thích cầu tín dụng. 

Giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm

Với định hướng điều hành cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng từ 14 đến 15%, dư địa cho vay từ nay đến cuối năm còn rất lớn. Đại diện một số ngân hàng cho biết, cán cân cung cầu giữa dòng tiền gửi và dòng tiền đầu ra hiện nay chưa cân bằng, nên dự báo các ngân hàng sẽ tăng cường giải ngân, dẫn đến lãi xuất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài đến đầu năm sau. Tuy nhiên, để cung - cầu tín dụng có thể gặp nhau, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn thì cần có một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ. 

Rất cần có sự hỗ trợ vay vốn lưu động từ ngân hàng

Nỗ lực hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp

Mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn khó lường, vì vậy, rất cần sự đồng hành của Nhà nước không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Kích cầu, khôi phục thị trường tiêu thụ, lãi suất cho vay hợp lý hơn, chính sách ưu đãi về thuế, đặc biệt là thực thi hiệu quả các chính sách sẽ là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp và nền kinh tế "hấp thụ được dòng vốn", tạo lực bứt tốc trong những tháng cuối năm 2023 và tạo đà tích cực cho năm 2024.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: