(HTV) - Nhiều ý kiến trong tổ đại biểu TP.HCM đề nghị có chính sách quan tâm hỗ trợ để phát triển loại hình nhà trọ, nhà ở cho thuê, thiết thực cải thiện chất lượng sống.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, sáng 5/6, tại hội trường, quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo luật nhà ở (sửa đổi)
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến trong tổ đại biểu TP.HCM đề nghị có chính sách quan tâm hỗ trợ để phát triển loại hình nhà trọ, nhà ở cho thuê, thiết thực cải thiện chất lượng sống cho người lao động.
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: “Đúng theo tinh thần của Đảng là huy động mọi nguồn lực các thành phần kinh tế tham gia vào việc xây dựng nhà ở hỗ trợ nhà trọ cho người lao động. Nên theo tôi cái vấn đề nhà trọ cần phải đưa vào luật chuẩn hóa để vừa huy động sức dân nhưng để ng lao động có 1 chỗ ở đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo tôi đó chính là huy động sức dân và thực sự cần thiết".
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Đại biểu cũng đồng ý với dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí quỹ đất để đầu tư và phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ phải dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền sử dụng và thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã đề xuất: "Tôi kiến nghị tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư khu đô thị đóng góp 20% số tiền tương đương để hỗ trợ Chính quyền địa phương thực hiện dự án nhà ở xã hội. Điều này là rất cần thiết. Ngoài ra, có thể áp dụng cơ chế linh hoạt hơn như sử dụng quỹ đất hoặc đóng góp bằng tiền để các chủ đầu tư có thể chủ động giải quyết 20% này, từ đó giúp chính quyền triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đền bù một cách thuận tiện hơn".
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua có điểm nghẽn, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh vì chính sách phát triển nhà ở tập trung vào nhà ở thương mại. Điều này khiến người dân, đặc biệt là các công nhân làm công ăn lương, khó tiếp cận vì không có nguồn cung và một số dự án làm ra chỉ để chiếm đất thôi. Đại biểu đề xuất cần phải làm rõ thời gian trách nhiệm hoàn thiện dự án.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Liên quan đến quy định cải tạo, xây nhà chung cư cũ, Chính phủ đã từ bỏ phương án thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng dự thảo luật vẫn chưa làm rõ những điểm nghẽn liên quan đến việc di dời người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập và hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm. Chính phủ cần nghiên cứu và quy định các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này.