Phạm Hoàng Việt và cuốn sách đầu tiên xoay quanh “Bí danh” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Đan Quỳnh (Ảnh: KKD) 10/4/2022, 11:31

Ngày 10/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, hai tác giả Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường đã có buổi giao lưu, ra mắt sách Bí danh Huỳnh Phương Đông. Tác giả Phạm Hoàng Việt đã có những chia sẻ về tác phẩm này.

“Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí... Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ”. Từ những dòng tâm ý của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và tiếp nối cơ duyên gìn giữ những kỷ niệm đẹp của tập tranh ký họa kháng chiến, chúng tôi biên soạn quyển sách. Hai tác giả Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường đã sử dụng toàn bộ thời gian của năm 2021 để thu thập tư liệu, trình bày và biên soạn cuốn nhật ký bằng tranh tiêu đề Bí danh Huỳnh Phương Đông.

PV: Xin chào anh Hoàng Việt, điều gì đã tạo nên sự khác biệt giữa “Bí danh Huỳnh Phương Đông” và các tư liệu khác đã xuất bản về họa sĩ Huỳnh Phương Đông?

- Mục đích của tôi không hẳn là tạo nên sự khác biệt, tôi chỉ muốn bổ sung vào kho tàng những tư liệu về họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Tuy nhiên, nếu nói về điểm đặc biệt thì hai từ “Bí danh” ở tiêu đề chính là điểm đầu tiên. Cuốn sách nói về những câu chuyện xoay quay từ “bí danh” từ khi họa sĩ lấy tên con trai làm bí danh, họa sĩ ký tên Huỳnh Phương Đông trên những bức vẽ tại chiến trường… hành trình đó được minh họa bằng những lá thư, những ký họa, những tài liệu đã được lưu giữ hơn 50 năm và chưa từng công bố. Từ khi họa sĩ lấy tên con trai làm bí danh, họa sĩ ký tên Huỳnh Phương Đông trên những bức vẽ tại chiến trường…


Một số tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

PV: Động lực nào thúc đẩy anh Hoàng Việt và Hùng Cường bắt tay vào sưu tập tư liệu về hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông để làm nên quyển sách? 

- Câu chuyện khởi đầu từ khi tôi 15 tuổi, ấn tượng với những bức ký họa chân dung trong ba tập ký họa Miền Nam Việt Nam - Đất nước Con người đến cơ duyên nhìn thấy được những bức vẽ bản gốc tại nhà của gia đình họa sĩ và những thắc mắc xung quanh ông Huỳnh Công Nhãn là ai, còn ông họa sĩ Huỳnh Phương Đông là ai?  Chúng tôi bắt đầu tìm đọc những tài liệu về họa sĩ. Trong rất nhiều ấn phẩm đã xuất bản về ông, chúng tôi đã cảm nhận được những tâm ý mà họa sĩ đã gửi gấm trong ấn phẩm Huỳnh Phương Đông - Góc nhìn chiến tranh và hòa bình. Tìm hiểu, say mê và trân trọng công việc lưu giữ giá trị xưa chính là cơ duyên đã thôi thúc chúng tôi phải làm gì và nên làm gì để ghi lại hành trình của bí danh Huỳnh Phương Đông.

PV: Anh có từng trăn trở làm thế lột tả hết được tình yêu của hoạ sĩ với vợ và gia đình? Liệu chỉ những bức thư có đủ không?

Tác giả Phạm Hoàng Việt (bên phải) và tác giả Nguyễn Hùng Cường (bên trái) giao lưu cùng vợ họa sĩ Huỳnh Phương Đông

- Có những hy sinh, có những tình cảm thầm kín mà những lá thư của người chiến sĩ – hoạ sĩ không được phép bày tỏ trong những thời khắc của chiến tranh. Nhưng đối với chúng tôi, khi tiếp cận và đọc được những bức thư có in trong quyển sách này, chúng tôi đã nảy sinh một tấm lòng ngưỡng mộ mà làm sao bằng mọi khả năng từ thiết kế trình bày sách đến chọn lọc những lá thư nào trong giới hạn 548 trang mà vẫn chuyển tải phần nào đầy đủ tình cảm trọn vẹn của ông bà để bạn đọc có thể cảm nhận được và đồng cảm với chúng tôi. 

Chúng tôi đưa những tài liệu riêng tư nhất của gia đình từ giấy kết hôn, những lá thư được kiểm duyệt bởi các trạm giao liên Trường Sơn, những hình ảnh gia đình được gửi kèm thư… để chuyển tải tất cả thành ngôn ngữ minh họa đến bạn đọc về tình yêu của ông bà. 

Gây sự chú ý đến bạn đọc và đưa bạn đọc lên chuyến tàu là một hành trình nghệ thuật để mà khi bạn đã chấp nhận lên chuyến tàu này, bạn sẽ nảy sinh tình cảm gì?  Bạn sẽ trải qua những thăng trầm cảm xúc gì? Bạn sẽ chạm đến những gì chân thật nhất của tư liệu và thư từ qua việc trình bày phóng to tràn trang sách những lá thư...

Ý kiến của bạn: