NSƯT Phú Quý: Những dấu ấn vàng son

Thanh Nhàn 25/1/2021, 08:40

Ngày đó, có lẽ, chàng công nhân Bến xe miền Tây sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình trở thành một nghệ sĩ hài được khán giả cả nước mến mộ. Những lời chia sẻ của NSƯT Phú Quý trong "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" một lần nữa chứng minh "thành công đến từ sự nỗ lực".

NSƯT Phú Quý là một trong những danh hài được đông đảo khán giả mến mộ

Ở thời kỳ hoàng kim của cải lương và tấu hài, Phú Quý là một trong những tên tuổi ăn khách cùng với các nghệ sĩ giai đoạn đó như: Minh Vương, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Duy Phương, Kiều Mai Lý… Ông từng góp mặt trong hàng trăm vở cải lương, hài kịch, phim hài như: Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Khách sạn hào hoa, Tình yêu và lời đáp, Ta tắm ao ta... Trong đó, vở diễn "Nàng Xê Đa" đã đưa tên tuổi ông trở nên nổi tiếng với hơn 1.000 suất diễn khắp cả nước. 

Nghệ sĩ Phú Quý còn là gương mặt nòng cốt của chương trình "Trong nhà ngoài phố" của Đài Truyền hình TP.HCM. Cũng nhờ chương trình này mà ông đắt show tấu hài. Đã có một thời, Phú Quý được xem là cái tên "bảo chứng phòng vé" tại các tụ điểm tấu hài ở Sài Gòn. Mỗi ngày, ông diễn trên 10 suất, chỉ riêng buổi tối đã 7-8 suất. Ông chia sẻ, giai đoạn đó tiền catse ông nhận được nhiều đến nỗi ông phải cho vào bao tải nhét gầm giường.

Ở tuổi U80, nhìn lại sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Phú Quý luôn biết ơn vùng đất Sài Gòn – TP.HCM đã đưa ông đến với nghệ thuật. Ông kể mình sinh ra trong một gia đình nghèo ở Long An, gia đình có đến 10 anh chị em và không ai theo nghệ thuật. Lúc nhỏ, ông mê cải lương và đờn ca tài tử, lại có có năng khiếu ca hát nên thường được bà con trong xóm mời đi hát ở đình, chùa…vào mỗi dịp lễ hội. Năm 16 tuổi, có một gánh hát về quê của ông diễn. Vì mê hát quá, ông xin bố mẹ cho đi theo đoàn. Thấy con trai mê hát lại hát hay nên bố mẹ của ông đã đồng ý cho ông đi theo đoàn cải lương. Đi được một thời gian thì ông nhớ nhà quá nên bỏ đoàn về. 

NSƯT Phú Quý thời trẻ (Ảnh: NVCC)

Đến năm 1976, ông về làm công nhân tại Bến xe Miền Tây. Lúc này, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, Phú Quý năng nổ đi thi các cuộc thi văn nghệ, hội diễn quần chúng và đạt Huy chương vàng cho tiết mục “Anh phụ lái”. Ông đã tự sáng tác cũng như trình bày bài ca cổ "Vợ chồng anh tài xế" khiến khán giả mê mẩn và trở thành một nghệ sĩ bán chuyên nghiệp xuất hiện thường xuyên trên các đài truyền hình. Thấy anh có tố chất, nghệ sĩ Kim Cương đã cho người ra Bến xe Miền Tây mời Phú Quý về đoàn của mình hát. Vở diễn đầu tiên mà Phú Quý được diễn cùng với kỳ nữ Kim Cương là vở "Dưới hai màu áo" tại rạp Long Vân, trong đó Phú Quý vào vai cha của nhân vật “Hột vịt lộn” do NSND Kim Cương đóng. Khi diễn xong, NSND Kim Cương và nhiều nghệ sĩ đã bắt tay ông và nói: “Em đã thành công”. Nói về ân nhân của mình, NSƯT Phú Quý chia sẻ: “Đây là một dấu ấn không phai trong cuộc đời của Phú Quý. Quý nhớ ơn cô Kim Cương rất nhiều – người đã cho Phú Quý một nấc thang, một điểm khởi nghiệp rất quan trọng để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp và trở thành một Phú Quý như hôm nay”.

NSƯT Phú Quý luôn chỉn chu và chu đáo trong từng vai diễn 

Bên cạnh NSND Kim Cương, NSƯT Phú Quý đặc biệt cảm ơn khán giả đã yêu thương và ủng hộ ông trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Đó cũng là lý do mà NSƯT Phú Quý luôn trân trọng mỗi lần được mời tham gia trong các chương trình truyền hình. Ông nói, mỗi lần xuất hiện trên truyền hình giống như một lần đi thi và phải thi cho đậu. Chính vì vậy, trước khi đến trường quay, ông luôn chuẩn bị chu đáo và không cho phép mình có sơ suất, để luôn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt khán giả.

Ý kiến của bạn: