Dù bắt đầu bước sang quý 2, nhưng hiện nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu chục tỉ đôla Mỹ mỗi năm như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản... vẫn đang gặp khó khăn khi lượng đơn hàng suy giảm trầm trọng.
Ở nhiều doanh nghiệp, lượng đơn hàng đã giảm đến 1 nửa. Lượng hàng xuất khẩu giảm từ đầu năm và tiếp tục thiếu đơn hàng trong quý 3 tới. Tình hình của công ty này đang đi ngược với thông lệ hàng năm.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty May 10: “Ví dụ như trong quý 1 chúng tôi sụt giảm khoảng 10%. Nhưng trong quý 2 và đặc biệt quý 3, là hai quý mà bình thường là đợt cao điểm của sản phẩm may mặc. Thì hiện nay chúng tôi với quý 2 đang nhìn thấy lượng hàng giảm từ 20 – 30%. Và quý 3, thông thường tới thời điểm này đã có thông tin nhưng năm nay các khách hàng đến thời điểm này đều có một câu trả lời giống nhau là chưa có thông tin về đơn hàng.”
Sản xuất gỗ là ngành hàng có nhiều khó khăn nhất trong hoạt động động xuất khẩu từ cuối quý 4/2022 cho đến nay, hiện giảm đến 30% đơn hàng so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng bị cắt giảm, buộc họ cũng phải cắt giảm sản xuát để thích ứng với tình hình mới. Trước tình hình khó khăn của nhiều ngành hàng, Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường cho từng nhóm hàng.
Ông Đỗ Thanh Hải - Cục Trưởng Cục Xúc Tiến Thương Mại, Bộ Công Thương cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay thì Bộ Công Thương cũng đã tích cực đồng hành cùng với các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới và thông qua các kênh giao dịch bán hàng như phương thức điện tử. Mặt khác Bộ cũng có các chương trình làm việc với các Hiệp hội ngành hàng để cùng rà soát những khó khăn vướng mắc, qua đó tìm cách đưa ra những giải pháp xuất khẩu trong thời gian tới.”
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Kiêm Trưởng Ban Pháp Chế, Vcci: “Những bất ổn toàn cầu chắc chắn sẽ tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên tôi cho rằng trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới thì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải rất ổn định và thuận lợi. Chúng ta lấy cái ổn định, thuận lợi của chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn của toàn cầu, của những vấn đề tài chính trên thế giới. Có lẽ đấy cũng là một giải pháp quan trọng nhất.”
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để trả lương cho người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp.
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9