Nhiều giải pháp giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe tại khu vực ASEAN

TẤN KHOA - QUỐC SỬ - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/10/2023, 11:22

(HTV) - Xây dựng TP.HCM là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là một nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị đề cập trong Nghị Quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề này, mới đây, Bộ Y tế đã phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Chương trình đã nhận được rất nhiều ý kiến, giải pháp đến từ các chuyên gia, cán bộ y tế đầu ngành trên khắp cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Để xây dựng được trung tâm y tế chuyên sâu mang tầm khu vực, vấn đề về nguồn nhân lực có chuyên môn được xem là yếu tố then chốt. Mặc dù trong 10 năm qua, số lượng cán bộ y tế trên 10 ngàn dân tại Việt Nam đã gia tăng gần gấp đôi, thế nhưng so với các nước trong khu vực, mật độ này của nước ta vẫn ở mức thấp. Đáng nói hơn, cứ mỗi 73 ngày trôi qua thì kiến thức y khoa lại tăng gấp đôi. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì giải pháp quan trọng là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Nguồn nhân lực có chuyên môn được xem là yếu tố then chốt

Thúc đẩy hợp tác quốc tế để nâng cao nguồn nhân lực có chuyên môn

Dù còn nhiều hạn chế, nhưng ngành y tế TP.HCM thời quan qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ với nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu như: Phẫu thuật robot, ứng dụng A.I. trong chẩn đoán, điều trị,… Tuy nhiên để các hoạt động này được triển khai rộng rãi, tiết kiệm thời gian hơn, bắt kịp xu hướng thay đổi của y tế thế giới thì Thành phố nên tham khảo thêm mô hình ở các nước tiên tiến, thực hiện "Chiến lược đi tắt đón đầu”.

Tập trung xây dựng 3 cụm y tế chuyên sâu và 5 trung tâm cấp cứu 115

TP.HCM cũng đã chủ động đề ra gần 10 giải pháp để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực. Trong đó có tập trung xây dựng 3 cụm y tế chuyên sâu và 5 trung tâm cấp cứu 115; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở – phát triển y tế cộng đồng, đẩy mạnh chuyển đổi số,…

PGS. TS. BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế luôn ủng hộ Thành phố dùng nguồn đầu tư ngân sách nhà nước cho việc phát triển y tế công của Thành phố, cũng như là trong việc đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất. Bộ luôn góp ý đóng góp với Chính phủ để TP.HCM có những quỹ đất để mở rộng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố và phân công cho Thành phố, cũng như là cấp kinh phí cho các bệnh viện của Thành phố, giúp cho việc chỉ đạo tuyến, giúp cho việc nâng cao năng lực chuyên môn của các tỉnh khu vực phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long”. 

Củng cố y tế cộng đồng kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu

Bên cạnh các giải pháp, tinh thần sẵn sàng của đội ngũ cán bộ, chuyên gia và đặc biệt là nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng gia tăng tỉ lệ thuận theo sự phát triển của kinh tế. Những yếu tố này được xem là cơ hội rất tốt để Thành phố có thể mạnh dạn nắm bắt, triển khai hiệu quả Nghị Quyết 31 trong thời gian sớm nhất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: