Nhà Việt ngữ học - Nhà giáo ưu tú Trần Chút

Thùy Trang 2/10/2020, 13:58

Trong 83 năm cuộc đời, Nhà giáo ưu tú Trần Chút đã dành nửa thế kỷ để truyền dạy cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên có kiến thức sâu rộng về Việt ngữ học và tham gia biên khảo nhiều đầu sách giáo khoa cấp Trung học phổ thông và bậc Đại học.


Chân dung nhà giáo ưu tú Trần Chút

Nhà giáo ưu tú Trần Chút sinh năm 1937, tại Gio Linh, Quảng trị. Ông trưởng thành trong bối cảnh lịch sử đất nước bị chia cắt và trên vùng đất tuyến đầu, cách Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải không xa. Sau Hiệp định Geneve 1954, đây là nơi ngày đêm giặc hết xua biệt kích đánh phá lại dùng tâm lý chiến rêu rao chống phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Hà Nội – Khoa Ngữ văn. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Từ đó ông khởi nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Việt ngữ học. Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ Phó Khoa Ngữ Văn rồi làm Trưởng phòng Đào tạo Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. 

Năm đó ông vừa ngấp nghé 40 tuổi đời và 10 tuổi nghề. Kinh nghiệm giảng dạy, vốn nghiên cứu ngôn ngữ và bản tính năng động cá nhân là những yếu tố thuận lợi để ông đứng vững trên bục giảng của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu. Tính ra,  trong ngần ấy thời gian, Nhà nghiên cứu, Nhà giáo Trần Chút đã trực tiếp giảng dạy bộ môn tiếng Việt cho hàng ngàn sinh viên theo học tại Khoa Ngữ Văn Trường này.

Nhà giáo ưu tú Trần Chút (đứng giữa) trong ngày họp mặt Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM (1957 - 2017)

Công trình nghiên cứu đầu tay của ông là "Mẹo tiếng Việt" ra đời năm 1966, với bút danh là Hồng Dân được giới học thuật và sinh viên học sinh đánh giá cao. Ngoài việc giảng dạy, ông còn tham gia viết nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và còn được chọn tham gia biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), Tiếng Việt 8 (1995), Tiếng Việt 9 (1995), Tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006). 

Với thời lượng 20 phút, bộ phim Nhà Việt ngữ học Trần Chút phần nào cho thấy ông là Nhà nghiên cứu – Nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn, là nhà ngôn ngữ học có uy tín. 

Trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy hay quản lý giáo dục, ông đều có những đóng góp thiết thực, ý nghĩa và phù hợp xu thế thời đại. Năng lực và đức độ của ông luôn láng đọng trong tình cảm của nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp. Nửa thế kỷ đã đi qua trong đời, thời gian đã làm ông bạc tóc, nhưng những cống hiến khoa học của ông vẫn còn hữu dụng, đức độ mẫu mực của ông mãi luôn tỏa sáng.

Đón xem phim tài liệu "Nhà Việt ngữ học Trần Chút" được phát sóng lúc 8g thứ 7 ngày 3 tháng 10 năm 2020 trên kênh HTV9. 

Ý kiến của bạn: