Do ảnh hưởng của dịch bệnh tại TP.HCM khiến cho cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp của cô Hai cũng vậy, dịch bùng phát, hai vợ chồng mất việc, cơ quan của con gái cũng tạm dừng hoạt động.
![](https://assets.htv.com.vn/Images/Nam2020/Thang%2010/592A4598.JPG)
Trước khi dịch có đợt bùng phát mới, rất nhiều người dân lao động
đang nỗ lực lao động để khắc phục những hậu quả do ảnh hưởng từ năm 2020. Cô Nguyễn Thị Hai, nhà ở phường Tân Kiểng, Quận 7,
chia sẻ: “Trước đợt dịch này, nhà cô cũng chẳng giàu có gì nhưng ít
nhất vẫn đủ cơm đủ gạo sống qua ngày. Hai vợ chồng vẫn đi làm thuê ở
chợ, con gái làm ở khu chế xuất, hàng tháng cũng gửi tiền về nên có đủ
tiền trang trải, cũng yên tâm những lúc ốm đau”.
“Nhưng không bao
giờ cô có thể tưởng tượng được sẽ có một ngày mà cả gia đình đều phải
sống nhờ lòng tốt của các nhà hảo tâm. Đợt dịch này, công ty con gái làm
dừng hoạt động, hai vợ chồng cũng không đi làm được, bây giờ, cả ba
người thất nghiệp ở nhà nhìn nhau. Mấy tháng nay ở nhà nên cũng chẳng có
thu nhập gì hết. Giờ không còn tiền, không đi chợ nổi, ăn uống đều phải
nhờ người ta từ thiện, cho rau, cho gạo, cho nước mắm…
Giờ nhận
được quà từ chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương”, cô thực
sự rất vui. Phần quà này có ý nghĩa rất lớn với cô bởi vì cả nhà đang
thất nghiệp mà có miếng ăn như thế là quá quý rồi. Giờ không biết nói gì
hơn để cảm ơn các nhà từ thiện, rồi các phường, các xóm đã ủng hộ. Một
phần thế này cũng kéo được thời gian 5-10 bữa, nửa tháng nữa, cô rất là
vui”.
Khi được phóng viên hỏi có sẵn sàng chia sẻ phần quà này cho
những hoàn cảnh khó khăn hơn hay không, cô Hai không do dự mà nói: “Có
chứ, làm sao tôi đứng đành lòng nhìn chị em hàng xóm chịu đói được, vẫn
phải chia sẻ để cùng nhau sống qua ngày chứ! Chúng tôi ở xóm trọ, tiền
nong chẳng bao nhiêu nhưng giúp được gì vẫn phải giúp nhau mà sống!”.
Không
chỉ cô Hai, rất nhiều các hoàn cảnh khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng
đang ở trong tình trạng như thế. Đợt bùng phát dịch mới này đã
khiến rất nhiều người lao động mất việc, các hộ gia đình buộc phải ở
nhà mà không có bất cứ khoản thu nhập nào để đảm bảo cuộc sống. Người có
kinh tế khá có thể điều chỉnh lại chi tiêu nhưng với các lao động
nghèo, họ trông chờ bữa ăn từng ngày.
Trước tình hình đó, ai cũng
gặp khó khăn nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người dân
nghèo, lao động tự do và những hoàn cảnh mất việc do dịch. Thấu hiểu
điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng các
doanh nghiệp lớn khác tổ chức chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ
yêu thương” để hỗ trợ người dân TP.HCM vượt qua cơn khó khăn lần này.
Trải
qua gần 1 tuần triển khai, chương trình đã tiếp cận được hàng nghìn hộ
gia đình, đưa lương thực, thực phẩm và đồ dùng cần thiết đến cho những
đồng bào đang trong “vùng đỏ”, địa điểm phong tỏa, khu vực có nguy cơ
cao.
Đối với các trường hợp như vậy, bên phía của chính quyền địa
phương cho biết vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ bà con. Chị Trần Thị
Thu Trâm – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Tân Quy, Quận 7 chia sẻ:
“Hiện nay, địa bàn do Phường phụ trách có khu vực đang bị phong tỏa. Vì
vậy, mỗi ngày chúng tôi đều cung cấp lương thực, thực phẩm và túi thuốc
an sinh tới các hộ trong khu vực đó. Ngoài ra, nếu có đơn vị, cá nhân
Mạnh Thường Quân ủng hộ, Phường cũng ưu tiên cho các khu vực này bởi đây
là nơi tập trung nhiều lao động nghèo, những người đang rất cần được hỗ
trợ nhu yếu phẩm hàng ngày.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch,
Phường đã tiến hành cho phong tỏa tới các khu vực có ca nhiễm hoặc có
nguy cơ cao. Bên cạnh đó, chúng tôi hạn chế người dân không được ra
ngoài và chủ động cung cấp lương thực, thực phẩm cho họ trong thời gian
cách ly. Cứ 2-3 ngày chúng tôi lại xuống hỗ trợ 1 lần.
Rất cảm ơn
Bộ Thông tin và Truyền thông, tập đoàn Viettel cùng các công ty, doanh
nghiệp đã cùng chung tay đồng lòng hỗ trợ cùng Phường để giúp các hộ dân
có thêm một số lương thực, thực phẩm cần thiết trong mùa dịch khó khăn
này”.
Được biết trong thời gian triển khai chương trình “Tấm lòng
mùa dịch, san sẻ yêu thương”, Tập đoàn Viettel đã nỗ lực để kết nối với
nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn nhất có thể. Ngoài danh sách do Ủy
ban Mặt trận Tổ Quốc TP. Hồ Chí Minh cung cấp, ban tổ chức còn tiếp cận
những hoàn cảnh khó khăn thông qua tổng đài 8889 và ứng dụng Zalo
Connect.
Ngoài việc thực hiện trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội,
Viettel Post còn chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai dịch vụ
“đi chợ hộ”, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 1.000 nhân viên giao hàng của doanh nghiệp
đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời thực hiện sàng lọc xét nghiệm
định kỳ 3 ngày/lần giúp đảm bảo sức khỏe khi làm công việc có sự giao
tiếp với nhiều khách hàng.
Với đội ngũ nhân sự chuyển phát thông
thuộc địa bàn, 61 xe vận tải chạy trên luồng xanh và kinh nghiệm đã
triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” tại 11 tỉnh thành trên cả nước từ đầu
tháng 8/2021, hiện Viettel Post có thể cung ứng 150 tấn hàng mỗi ngày
cho người dân tại TP.HCM.