Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/1/2024, 15:45

(HTV) - Các doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi của người nông dân, nâng cao thu nhập và đời sống của họ. Đồng thời, cần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.

Kết thúc năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 8 triệu tấn, thu về 4,8 tỷ USD, đây là những con số kỷ lục. Sản xuất lúa gạo là điểm sáng của kinh tế nông nghiệp trong năm qua khi không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế trong nước cũng như đảm bảo thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Đánh giá về ngành gạo 1 năm qua, các chuyên gia đã nêu ra 5 vấn đề cần giải quyết để giúp nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao vai trò và tầm quan trọng của các mắt xích trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất từ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, hiệp hội đến các cơ quan nhà nước. Các chuyên gia nhấn mạnh việc cần tăng tỉ lệ ứng dụng công nghệ cơ giới hoá trên đồng ruộng, giúp nâng cao năng suất lao động và mang lại sự bền vững cho ngành hàng.

Định hướng được điều này, nhiều năm qua, công ty TNHH TM DV Sài Gòn Kim Hồng đã đầu tư máy móc vào khâu gieo sạ. Theo bà Đào Thị Như Hè - Giám đốc công ty, nhiều năm qua, đơn vị đã liên kết với các công ty để đưa ra chuỗi sản xuất, giúp cho bà con nông dân giảm được nhiều chi phí trong khâu gieo sạ, cũng như chi phí trong sản xuất, giúp bà con nông dân thuận lợi trong trồng trọt, nâng cao năng suất sản xuất.

Bà Đào Thị Như Hè - Giám đốc Công ty TNHH TM DV Sài Gòn Kim Hồng

Nhận định về vấn đề này, ông Ngô Văn Đầy - Chuyên gia Kinh tế Nông nghiệp cũng cho rằng, hiện nay yêu cầu thực tế trong sản xuất thì 1 trong những khâu tối quan trọng trong chuỗi sản xuất lúa gạo đó là khâu cơ giới hoá. Cơ giới hoá ở đây là cơ giới hóa đồng bộ, từ làm đất, tưới tiêu, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch. Trong đó, khâu xuống giống là khâu yếu nhất trong cơ giới hoá sản xuất lúa. Đến nay chúng ta đã có các dàn thiết bị sạ cụm tương thích với tất cả các loại máy hiện có của bà con nông dân trong vùng. Cơ giới hoá trong xuống giống, không phải đơn giản là nâng cao năng suất lao động, mà ở đây nó còn có tác động nâng cao năng suất sinh học, tức là năng suất lúa.

Ông Ngô Văn Đầy - Chuyên gia Kinh tế Nông nghiệp

Theo đại diện Cục Trồng Trọt, biến đổi khí hậu dẫn tới hiện tượng thời tiết bất thường nghiêm trọng, xâm nhập mặn, nước biển dâng…cũng là điểm nghẽn quan trọng trong sản xuất lúa gạo. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lúa gạo Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia xuất khẩu khác, cộng với hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng được nâng cao cũng cần được xử lý. Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao tới đây sẽ là hành động rõ nét nhất mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị triển khai để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết thêm, thông qua đề án này, ngành nông nghiệp Việt Nam đưa ra thông điệp mới, định vị lại ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải, tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường. Thông qua đề án này chúng ta định vị lại thương hiệu hạt gạo. Đây không chỉ là chất lượng nữa mà nó còn là cách tạo ra hạt lúa, gạo minh bạch, quá trình canh tác không phá vỡ cấu trúc về tầng đất hay nước. Việc thực hiện đề án giúp chúng ta thay đổi gần như toàn bộ cấu trúc lại quy trình canh tác, ứng dụng Khoa học kỹ thuật, số hóa đồng ruộng, nông dân..

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại dành cho xuất khẩu. Với đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm, minh bạch và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: