(HTV) - Hiện nay, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự cạnh tranh từ đội ngũ nhân lực các nước vốn được đào tạo bài bản về kế toán quốc tế, đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác đào tạo ngành kế toán - kiểm toán trong nước.
Kế toán xưa và nay khác nhau như thế
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, hội nhập về kế toán, kiểm toán cũng là một trong lĩnh vực được đặt trọng tâm.
Hàng năm, có gần 60.000 sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học ngành kế toán ra trường, tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh ưu điểm cần cù, thông minh, ham học hỏi, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam còn nhiều hạn chế như: kiến thức và tư duy của người làm kế toán chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ, tính chủ động, sáng tạo chưa cao.
Bên cạnh đó, ngành kế toán kiểm toán của Việt Nam hiện nay so với thế giới vẫn còn khoảng cách nhất định, vẫn còn áp dụng những phương pháp truyền thống và chủ yếu quản lý sổ sách kế toán, phiếu nợ.
Làm thế nào để kiểm toán và kế toán hội nhập kinh tế quốc tế?
Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Giám sát kế toán - kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay người làm chương trình kế toán trong doanh nghiệp phải là người đóng vai trò tham mưu cho các cấp lãnh đạo ra quyết định tại doanh nghiệp. Vì các thông tin tài chính hữu ích nó không nằm trên sổ sách kế toán mà nó nằm trên báo cáo tài chính và người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính đó chính là người quản lý ở doanh nghiệp, họ dựa trên những thông tin đó để đưa ra các quyết định kinh tế”.
Theo các chuyên gia nhận định rằng, việc cập nhật, thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam nhất là về kỹ năng chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, ứng dụng tốt công nghệ và có năng lực tư duy - phân tích tổng hợp là hết sức cần thiết trong xu hướng hội nhập hiện nay.
Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong ASEAN, chỉ khoảng 10 năm nữa lực lượng lao động sẽ không còn dồi dào như hiện nay. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động Việt Nam chưa cao. Theo xếp hạng mới đây của ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm 4 nước ở hàng cuối vì quy mô vốn, trình độ khoa học kỹ thuật và lao động thấp. Khi hội nhập, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, tiếp cận thông tin thị trường lao động ngoài nước,…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về đào tạo nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán trong bối cảnh mới: khung năng lực của người làm công tác tài chính kế toán phải dựa trên 03 yếu tố: vai trò của công tác tài chính kế toán trong tình hình mới, định hướng chính sách của Chính phủ và phải phù hợp với thực tiễn - yêu cầu của người sử dụng lao động. Đây cũng chính là định hướng cho phương pháp đào tạo người làm công tác tài chính, kế toán trong giai đoạn hiện nay.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9