(HTV) - Tại diễn đàn "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" diễn ra vào sáng 10/5 tại Hà Nội, các chuyên gia, diễn giả cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ và tài khoá phải được thực hiện linh hoạt.
Mục tiêu lớn chính được đưa ra tại diễn đàn "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" chính là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Các chuyên gia cũng dự báo, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất điều hành có thể giảm thêm 0,5%.
Diễn đàn "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" diễn ra vào sáng qua tại Hà Nội
Những tháng đầu năm 2023, rủi ro suy thoái kinh tế và lạm phát cao khiến thương mại toàn cầu giảm. Khó có thể dự báo chính sách tiền tệ của Mỹ, EU, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu u đã tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế có độ mở lớn, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá và tín dụng.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế cho biết: “Thách thức rất lớn đối với chính sách tiền tệ của năm nay là phải đa mục tiêu hơn, tức là ngoài mục tiêu liên quan đến ổn định giá trị đồng tiền rồi hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo việc làm thì năm nay lại thêm một mục tiêu nữa chính là phải ổn định hệ thống tài chính tiền tệ. Tiếp theo là thách thức của chúng ta, cho dù là lạm phát, lãi suất đang trong xu hướng giảm nhưng rõ ràng là vẫn còn ở mức tương đối cao”.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế
Chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những vấn đề đang cần giải pháp cấp bách. Lúc này, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, với trọng tâm là chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp
Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB chia sẻ: “Ngân hàng đã trải qua khoảng độ 3 - 4 lần giảm lãi suất. Tính tới thời tính điểm này và so với cuối năm 2022 mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5 - 3%. Lãi suất huy động Việt Nam thời gian tới chắc chắn sẽ giảm và với chính sách điều hành quyết liệt của Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, Ngân hàng OCB cũng đã cùng thị trường giảm giá lãi suất huy động và có các chính sách cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh".
Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng OCB
Về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Hiện nay lãi suất huy động có lẽ là hơi cao. Với tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành có thể ở mức sẽ giảm dần, từ giờ đến cuối năm tôi sẽ giảm 0,5%”.
ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Dòng vốn trong ngân hàng mới chảy vào nền kinh tế mới có thể giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, kinh tế tăng trưởng ổn định.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9