(HTV) - Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á, qua đó đã cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ với tỷ lệ tăng trưởng 11% so với năm 2022.
Có các chuyển biến tích cực trong nền thương mại điện tử
Nền tảng vàng giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm
Bên cạnh đó, những sản phẩm như dầu nhớt, thường phát triển và tiếp cận từ phía đại lý cũng tìm cách để cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử trong thời đại công nghệ.
Doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào các kênh online như Facebook, Tiktok nhằm khai thác không giới hạn khách hàng trên không gian số.
Báo cáo của Google và Temask cũng nhận định du lịch trực tuyến tại Việt Nam tăng 82% so với cùng kỳ năm 2022, tổng giá trị hàng hóa dự kiến đạt 7 tỷ USD.
Du lịch trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng rõ rệt
Đại lý du lịch trực tuyến Gotadi cho biết booking online đang đóng góp rất lớn vào doanh thu, hứa hẹn chiếm 50 đến 60% doanh thu của ngành du lịch.
Tuy nhiên, đại lý du lịch trực tuyến tại Việt Nam như Gotadi, chudu, mytour lại đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đơn vị quốc tế như Agoda, Booking, travelola.. vì các đơn vị du lịch trực tuyến nước ngoài đang không phải chịu thuế vì không đặt văn phòng tại Việt Nam. Đó chỉ là một trong những hạn chế hiện nay mà những nhà làm chính sách cần tính đến để hỗ trợ phát triển kinh tế số.
Đồng thời, việc giao hàng trực tuyến cũng trở nên phổ biến
Theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam, cơ sở hạ tầng hiện nay cho kinh tế số vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững, đi nhiều vào bề rộng, độ phủ nhưng chưa có độ sâu, có những vùng băng thông ổn định nhưng có những vùng băng thông kém...Nghị quyết 80 dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế số đã ra đời được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Tiến sĩ cũng cho rằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số có khá nhiều văn bản, tuy nhiên thực thi vẫn còn hời hợt, cần hoàn thiện về mặt thể chế, chính sách.
Trong đề án chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, đứng vào hàng ngũ 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Điều đó là hoàn toàn khả thi khi nền kinh tế đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ sang nền tảng số của giao hàng trực tuyến, thanh toán điện tử, công nghệ tài chính fintech...Tuy nhiên, kinh tế số Việt Nam cần có thêm nhiều trợ lực từ chính sách để tăng trưởng không chỉ ở chiều rộng mà còn đi vào chiều sâu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9