Quyền lợi thai sản ở bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cần dựa theo mức đóng, thời gian tham gia, không nên cố định hai triệu đồng, theo đại diện công đoàn TP HCM.
Đề xuất được bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng ban Nữ công (Liên đoàn lao động TP HCM) nêu tại tọa đàm Nghiên cứu phương án mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, chiều 10/4.
Trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, để mở rộng diện bao phủ ban soạn thảo đề xuất thêm quyền lợi thai sản cho lao động khu vực BHXH tự nguyện, mức trợ cấp hai triệu đồng khi sinh con.
Theo bà Liên, trong hai năm 2021-2022, công đoàn thành phố đã vận động được nguồn kinh phí để giúp lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó có hơn 230 nữ, nhiều người trong độ tuổi sinh sản, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, theo quy định họ không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản. "Thêm quyền lợi thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện là đúng nhưng mức hỗ trợ hai triệu đồng là không đủ hấp dẫn", bà Liên nói.
Đại diện công đoàn TP HCM đề xuất mức hưởng nên linh hoạt theo mức đóng, thời gian tham gia. Ví dụ, một người đóng bảo hiểm ở mức tối đa gần 30 triệu đồng mỗi tháng trong vài năm phải được hưởng nhiều hơn người tham gia mức tối thiểu 1,5 triệu đồng. Theo bà, mức hưởng thỏa đáng sẽ giúp công tác vận động người tham gia BHXH tự nguyện thuận lợi. Khi cào bằng hai triệu đồng, người đóng nhiều nhưng hưởng ít sẽ không mặn mà tham gia.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Phòng chế độ BHXH TP HCM, cho rằng mức hưởng hai triệu đồng không đủ hấp dẫn. Nếu người lao động muốn tham gia để hưởng chế độ thai sản, họ sẽ thường chọn đóng mức thấp nhất. Tổng số tiền tham gia 6 tháng với tỷ lệ 22% là 1,98 triệu đồng. Nếu là hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ tối đa 30%, tức 594.000 đồng thì số tiền người lao động phải đóng là hơn 1,3 triệu đồng.
Theo bà Nga, với quyền lợi thai sản hai triệu đồng, sau khi trừ kinh phí đã tham gia, số tiền thực chất người lao động nhận được chỉ 614.000 đồng. Việc bổ sung thêm quyền lợi thai sản là cần thiết nhưng chỉ tác động đến nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh con. Do đó, mục đích tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện chưa đạt.
Để người tham gia BHXH tự nguyện được bền vững, đại diện bảo hiểm TP HCM đề xuất nhà nước nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% với hộ nghèo, 25% lên 35% với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các nhóm còn lại. Điều này có thể làm tăng ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài vẫn ít hơn số tiền nhà nước dùng để chi trợ cấp xã hội cho người không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Phòng chế độ (BHXH TP HCM), phát biểu tại tọa đàm.
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách- Luật pháp (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), cho rằng hiện các địa phương có chính sách riêng, đặc thù hỗ trợ cho lao động nữ. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ không bền vững vì phụ thuộc vào kinh tế, thu ngân sách hàng năm của tỉnh, thành.
"Nếu kinh tế đi xuống, khoản hỗ trợ sẽ giảm hoặc không còn", bà Thoa nói và cho rằng các chính sách hỗ trợ cho lao động nữ, đặc biệt nhóm không tham gia BHXH bắt buộc cần đảm bảo tính bền vững, lâu dài và được cụ thể trong các quy định pháp luật, áp dụng chung cho cả nước.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 15 năm thi hành chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia chỉ đạt 1,45 triệu người. Độ bao phủ chậm do lao động tham gia chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức, mức đóng thấp và chế độ không hấp dẫn khi chỉ có hưu trí, tử tuất.
Nguồn: VnExpress
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9