Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, trong những năm qua, KTNN đã không ngừng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc xây dựng quy trình, phương pháp kiểm toán, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và đưa vào áp dụng Hệ thốngChuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN) theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs).
Xây dựng và áp dụng CMKTNN tuân thủ ISSAIs là yêu cầu tất yếu trong hội nhập
Tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã hệ thống hóa và xây dựng Hệ thống ISSAIs năm 2007 và chính thức được thông qua năm 2010 theo 4 cấp độ: Cấp độ 1- Các nguyên tắc nền tảng, cấp độ 2 - Các điều kiện tiên quyết để SAI thực hiện chức năng của mình, cấp độ 3 - Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản, cấp độ 4 - Các hướng dẫn kiểm toán gồm các hướng dẫn kiểm toán chung và các hướng dẫn về các chủ đề đặc biệt. Hệ thống ISSAIs phản ánh nguyện vọng của INTOSAI muốn cung cấp cho các thành viên của mình và các bên có liên quan một hệ thống các chuẩn mực và hướng dẫn kiểm toán chất lượng cao và chuyên nghiệp.
Tại Đại hội lần thứ XIX của INTOSAI năm 2007 tổ chức ở Mêhicô đã tuyên bố “Cơ quan kiểm toán tối cao phải sử dụng các chuẩn mực nghiệp vụ và kiểm toán phù hợp và quy tắc đạo đức nghề nghiệp dựa trên các văn bản chính thức của INTOSAI, Liên đoàn Kế toán viên Quốc tế, hoặc các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn được công nhận khác” và Đại hội lần thứ XX của INTOSAI tổ chức tại Nam Phi năm 2010 đã kêu gọi tất cả các thành viên của INTOSAI sử dụng hệ thống cơ cấu ISSAI. Là thành viên của INTOSAI từ năm 1996 và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) năm 1997,KTNN Việt Nam đã tham gia ký Bản cam kết thực hiện ISSAIs tại Hội thảo “Quản lý Chương trình 3i” do IDI-ASOSAI tổ chức tại Campuchia năm 2013.
Hệ thống CMKTNN là tổng thể các nguyên tắc cơ bản, các hướng dẫn tác nghiệp và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà Đoàn KTNN, Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động kiểm toán, là căn cứ để kiểm soát chất lượng và đạo đức hành nghề KTVNN nên luôn là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động kiểm toán. Nhận thức được tầm quan trọng của Hệ thống ISSAIs, để hội nhập và theo kịp với trình độ các nước trong khu vực và thế giới, KTNN Việt Nam cần thiết phải xây dựng và áp dụng Hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trở thành một yêu cầu tất yếu để nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của KTNN, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của KTNN trong cộng đồng INTOSAI, góp phần giúp KTNN thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Thành quả của sự nỗ lực, tâm huyết và trí tuệ
Với địa vị pháp lý mới được hiến định trong Hiến pháp 2013, trên cơ sở cam kếtcủa KTNN Việt Nam với tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao thế giới và khu vực, KTNN đã xác định Mục đích chiến lược số 3 trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 là: đánh giá việc tuân thủ Hệ thống ISSAIs trong tổ chức và hoạt động của KTNN; xây dựng và hoàn thiện Hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs; áp dụng chuẩn mực kiểm toán trong hoạt động kiểm toán.
Trên cơ sở đó, KTNN đã thành lập Nhóm Đánh giá việc tuân thủ ISSAIs do 1 Lãnh đạo KTNN làm Trưởng nhóm và các thành viên là công chức, kiểm toán viên có trình độlà thành viên để thực hiện nhiệm vụ.Nhóm đã tiến hành đánh giá một cách toàn diện tính tuân thủ trong tổ chức và hoạt động của KTNN theo các thông lệ quốc tế của ISSAIs trình Tổng KTNN ban hành. Sau khi hoàn thành đánh giá việc tuân thủ ISSAIs, KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành Hệ thống CMKTNN và Tổ soạn thảo CMKTNN với thành viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài Ngành.
Việc xây dựng và ban hành Hệ thống CMKTNNđược thực hiện theo hướng tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp thu có chọn lọc ISSAIs; tham khảo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán độc lập (VSA) do Bộ Tài chính ban hành; phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam. Việc ban hành Hệ thống chuẩn mực này còn đảm bảo yêu cầu đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện; áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động).
Sau hơn 3 năm làm việc nghiêm túc, khoa học, nỗ lực, tâm huyết, tập trung trí tuệ và cầu thị, tiếp thuý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Ngành, Hệ thống CMKTNN đã được ban hành theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/07/2016 của Tổng KTNN, có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/09/2016 gồm 39 chuẩn mực(danh mục thuật ngữ sử dụng, tên gọi của các chuẩn mực trong Hệ thống CMKTNN được đánh số cơ bản đồng nhất với ISSAIs)theo 3 cấp độ: Cấp độ 2 - Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của KTNN(gồm 2 CMKTNN); Cấp độ 3 - Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản(gồm 4 CMKTNN); Cấp độ 4 - Các hướng dẫn kiểm toán (gồm 33 CMKTNN).
Áp dụng toàn diện, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán
Để áp dụng một cách toàn diện và hiệu quả Hệ thống CMKTNN đã ban hành,KTNN đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, bài bản... Đến nay, KTNN đã hoàn thành việc đào tạo, tập huấnHệ thống CMKTNN cho tất cả các cán bộ, công chức và Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN). Các quy trình kiểm toán đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với CMKTNN.
Bên cạnh đó, KTNN đang triển khai soạn thảo một số hướng dẫn CMKTNN có mức độ phức tạp và chuyên môn sâu như: hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính các lĩnh vực(đầu tư xây dựng, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, ngân sách địa phương, ngân sách bộ ngành); hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán. Nhờ đó, Hệ thống CMKTNN đã bước đầu đi vào thực tiễn hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng Hệ thống CMKTNN còn gặp không ít khó khăn như: việc chuyển đổi thuật ngữ trong CMKTNN từ tiếng Anh sang tiếng Việt bảo đảm phù hợp với pháp luật và thực tiễn Việt Nam là một thách thức; một bộ phận KTVNN chưa ý thức sâu sắc được giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc áp dụng các CMKTNNnên chưa sẵn sàng đón nhận và áp dụng những kiến thức, chuẩn mực nghiệp vụ kiểm toán mới;một số nội dung CMKTNN chưa được cụ thể hóa trong các hướng dẫn mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; ...
Để Hệ thống CMKTNN đi vào cuộc sống, KTNN cần thực hiện các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của KTVNN về ý nghĩa của việc áp dụng Hệ thống CMKTNN.Nhằm giúp KTVNN hiểu được bản chất, nội dung của CMKTNN và áp dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán, công tác đào tạo, tập huấn của KTNN đang được tăng cường: việc học tập CMKTNN được đưa vào chương trình đào tạo và thi các ngạch KTVNN, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hằng năm. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu các lĩnh vực kiểm toán cũng đang được đẩy nhanh tiến độ;các quy trình kiểm toán tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi; cụ thể hóa tối đa các hướng dẫn CMKTNN vào Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán và trong tài liệu hướng dẫn ghi chép mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sátviệc triển khai thực hiện.
Với các giải pháp đồng bộ trên, Hệ thống CMKTNN được áp dụng vào trong thực tiễn hoạt động kiểm toán đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của KTNN Việt Nam, bảo đảm thực hiện chức năng nhiệm vụ của KTNN theo Luật KTNN năm 2015, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từng bước hội nhập quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng công tác kiểm toán.