Kịch nói phía Nam: Dấu ấn các thế hệ

Mỹ Hạnh 28/12/2020, 14:01

Ngày 27/12, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức thành công chương trình "Cà phê học thuật nhân văn: Kịch nói phía Nam, dấu ấn các thế hệ".

Nhắc đến những gương mặt đại diện cho sân khấu kịch miền Nam từ trước 1975 đến nay, khán giả không thể nào bỏ qua hai cái tên: NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc. Nếu NSND Kim Cương được biết đến như “kỳ nữ”, có thể kiêm nhiều vai trò khác nhau: diễn viên, biên kịch, đạo diễn, bà bầu của những vở kịch nổi tiếng trước và sau 1975. Thì “phù thủy sân khấu” Thành Lộc được coi là thế hệ kế thừa ở thời điểm hiện tại. Hai nghệ sĩ là một trong những đại diện tiêu biểu được khán giả yêu mến trong lĩnh vực kịch nói phía Nam.

Đến với buổi trò chuyện diễn ra vào ngày 27/12, tại Hội trường Văn khoa của trường Đại học KHXH&NV, sức hút của hai nghệ sĩ khiến khán phòng không còn một chỗ trống, thậm chí có bạn phải ngồi trên các bậc cầu thang. Sự ăn ý và khả năng “tung hứng” rất ngọt của NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc đã đem lại nhiều điều thú vị cho khán giả theo dõi chương trình. 

"Dấu ấn của hai thế hệ giữa tôi và chị Kim Cương chính là điểm giao thoa theo bước tiền bối. Thế hệ chị có vở "Lá sầu riêng", nói về thân phận người phụ nữ. Thế hệ của tôi với dòng kịch đương đại có vở kịch "Dạ cổ hoài lang", nói về số phận của người đàn ông. Tôi đã tiếp nhận và mang ơn người đi trước để lĩnh hội và làm nghề" - NSƯT Thành Lộc nhìn nhận.

Trong buổi trò chuyện, NSND Kim Cương kể lại câu chuyện thú vị khi vay mượn tư trang của mẹ (NSND Bảy Nam) để đặt cọc tiền rạp cho vở kịch "Tôi là mẹ" - vở kịch dài đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1962. Có thể thấy nàng “kỳ nữ” của sân khấu Việt Nam là một trong những người mở đường, đưa kịch nói ra rạp sau thời gian tồn tại của nhiều đoàn kịch chỉ diễn trên màn ảnh nhỏ. 

Buổi giao lưu đem đến cho người nghe nhiều thông tin trong lĩnh văn hóa, nghệ thuật

Chỉ gói gọn hơn hai tiếng đồng hồ, những vấn đề như: Thoại kịch miền Nam trước 1975 có màu sắc nào? Sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật dân tộc của các thế hệ diễn viên hơn 40 năm qua ra sao? Vai trò của nhân vật nữ trong kịch của NSND Kim Cương? Kịch đương đại đang gặp những vướng mắc gì?... đều được hai nghệ sĩ chia sẻ cặn kẽ, đầy đủ với chất giọng chân thành và đầy cảm xúc. 

"Điều làm cho mình ấn tượng nhất vào buổi học thuật này có lẽ là những cái vỗ nhẹ của cô Kim Cương dành cho chú Thành Lộc. Đó là sự tin tưởng và ủng hộ của thế hệ trước dành cho thế hệ sau, là tình nghệ sĩ, là sự gắn kết - nối tiếp của nghệ thuật phương Nam. Bên cạnh sự ngưỡng mộ về tài danh của cô Kim Cương, hôm nay mình cảm thấy biết ơn nhiều hơn công lao của những "người mở đường", yêu hơn văn hóa, nghệ thuật miền Nam - vùng đất đã sinh ra những con người tuyệt vời, đầy kính trọng" - Bạn Võ Trần Đức Tiến, cựu sinh viên khoa Văn học chia sẻ. 

Những câu hỏi từ khán giả từ từ được giải đáp, giúp các bạn sinh viên và những người yêu mến nghệ thuật kịch phía Nam có thêm kiến thức về việc “remake” các vở kịch trước đây và khả năng “làm mới” của diễn viên, biết thêm về những quy định trong việc kiểm duyệt trước và sau 1975...

Khán giả xin chữ ký, chụp hình chung với khách mời cho thấy sức hấp dẫn của nghệ thuật kịch nói phía Nam 

Đến tham dự chương trình từ rất sớm, Vũ Nam Thái, giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM cảm nhận: “Đây thực sự là một cơ hội hiếm có khi những nghệ sĩ kịch nói chân chính, đại diện cho các thế hệ tiếp xúc, trao đổi với khán giả và qua đó gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống và nghệ thuật. Buổi nói chuyện chắc chắn đã để lại trong lòng mỗi người tham dự những cảm xúc riêng biệt, khép lại một năm đầy thách thức, khó khăn để hi vọng một năm 2021 mang an yên tới tất cả mọi người”.  

Nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm cùng các thành viên Cà phê học thuật nhân văn

Ý kiến của bạn: