Khởi nghiệp hướng đến "Net Zero": Xu hướng đòi hỏi tính chiến lược

NGỌC QUÍ - CHU THÀNH - MINH TẤN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/8/2023, 14:35

(HTV) - Trên thế giới hiện có khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero, tức giảm lượng khí thải vào khí quyển xuống bằng 0.

Mục tiêu lớn này là thách thức đối với tất cả mọi quốc gia trên thế giới và không thể chỉ thực hiện trong một sớm một chiều. Riêng Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành Net Zero vào 2050.

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể. Nguồn ảnh: Tổ quốc

Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 2 triệu máy điều hòa, có tốc độ tiêu thụ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, đây lại chính là những thiết bị gây tiêu tốn điện năng nhiều nhất, cũng ít ai quan tâm rằng, những thiết bị này đang thải ra môi trường nhiều loại khí độc hại, ví dụ như HFC có thể độc hại gấp 1.000 lần so với CO2. Bên cạnh việc kêu gọi người dân hạn chế sử dụng thiết bị làm lạnh, hay phát triển các thiết bị ít hao tốn điện năng hơn, thì đã có sự vào cuộc của các dự án khởi nghiệp hướng đến mục tiêu giảm phát thải. Một trong những dự án ấy có tên BenKon - bao gồm phần cứng và phần mềm kết nối với hệ thống máy lạnh của các tòa nhà, khu vực, giúp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp môi trường và nhu cầu sử dụng một cách tự động, từ đó làm giảm lượng điện năng tiêu thụ của thiết bị làm lạnh từ 20 - 50%. 

Theo anh Trương Minh Đạt - Giám đốc, Nhà sáng lập Công ty Benkon: "Một điểm lợi rất lớn của các startups là chúng tôi không biết sợ. Ví dụ như khi tiếp cận mục tiêu Net Zero 2050 thì chúng tôi tự đặt mục tiêu lớn hơn cho mình là 2030. Cụ thể hóa việc này chính là chúng tôi đưa giải pháp của mình tiếp cận các cơ quan, doanh nghiệp, trường học ngay từ bây giờ".

Anh Trương Minh Đạt (áo xanh) - Giám đốc, Nhà sáng lập Công ty Benkon 

Phát triển Kinh tế xanh, giảm phát thải ròng bằng 0 là định hướng rất cụ thể hiện nay của TP.HCM. Định hướng ấy cũng được cụ thể hóa về mặt cơ chế bằng Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách, đặc thù phát triển TP.HCM, với "Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố". Cũng theo đại diện các startups: "Hiện nay, một sự hỗ trợ mà chúng tôi rất mong muốn là Thành phố sớm triển khai những mô hình 'sandbox', để từ đó có thể đưa thí điểm những dự án sử dụng ngân sách để phát triển. Hiện tại, chúng tôi thấy những sandbox này đã được triển khai ở Cần Giờ, cũng mong rằng, Thành phố sẽ mở rộng thêm trong thời gian tới".

"Có sự kiểm soát ở những khu công nghệ tập trung, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM. Với cái cơ chế đó, chúng ta có thể thí điểm những dự án về đổi mới sáng tạo. Một mặt, chúng ta có thể sử dụng công nghệ mới mà thế giới đang ứng dụng, mặt khác, chúng ta xem thử những tác động xã hội từ các dự án này sẽ thế nào." -  Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết. 

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM 

Hướng tới Net zero là một hành trình dài, và đây không còn mang tính tự nguyện như trước, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường toàn cầu. Trên hành trình ấy, doanh nghiệp không thể tự đi mà rất cần sự quyết tâm thực thi hiệu quả ngay từ cơ chế, đến hành động của các cơ quan, ban, ngành.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: