Ngày 14-8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969, được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ “việc riêng”cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân, phong trào cộng sản công nhân quốc tế, phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.
50 năm qua, Di chúc của Người với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung thảo luận những nội dung chính như sau:
Thứ nhất, bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc; quá trình công bố và xuất bản Di chúc.
Thứ hai, công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc của Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Thứ ba, giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập đến trong Di chúc: về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về Đảng và xây dựng chỉnh đốn Đảng; về vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người; về bồi dưỡng thế hệ trẻ; về xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về đoàn kết quốc tế; về xây dựng nền báo chí, xuất bản cách mạng;, về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa...
Thứ tư, những thành tựu nhân dân ta đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 50 năm qua.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Di chúc của Người chứa đựng những nghĩ suy của một người suốt đời cống hiến, hy sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Đó là những chiêm nghiệm, những đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn 4 năm Bác viết Di chúc và đó không phải là những lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung.
“Đọc Di chúc của Bác, chúng ta cảm nhận được tâm thế và suy nghĩ của một bậc vĩ nhân. Một vĩ nhân yêu nước, thương dân tộc bậc. Yêu thương khi Người còn sống và yêu thương tới mãi mai sau. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét, thấu đáo. Đó là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc xây dựng đất nước, là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế gần xa” - Đồng chí Phạm Quang Nghị bày tỏ.
Nhấn mạnh tư tưởng đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, đổi mới được thể hiện rõ ràng, đậm nét không chỉ nội dung, mục đích mà còn nổi bật tính chất, đặc điểm và tầm vóc lịch sử của nó, như một cuộc cách mạng. GS. TS Hoàng Chí Bảo nêu: “Có thể nhận ra định nghĩa về đổi mới của Bác khi Bác viết: đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".
Người còn hình dung ra cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến đấu khổng lồ với sự tham gia, nhập cuộc của khối quần chúng nhân dân đông đảo. Trọng trách tập hợp lực lượng nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân thuộc về Đảng bằng công tác giáo dục, công tác tổ chức. Đảng phải ra sức dựa vào dân, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Người khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Đó là những luận điểm căn bản và hết sức quan trọng, có giá trị và ý nghĩa định hướng cho hành động đổi mới của Đảng và nhân dân ta.
Mang tới Hội thảo tình cảm của những người con miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu, đồng chí Nguyễn Minh Thảo, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh đồng bằng Sông Cửu Long chia sẻ, từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đến và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cuối cùng là bản Di chúc lịch sử - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm thiết tha nhất cho miền Nam yêu quý. Hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người!
Với mong ước độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Bác đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng miền Nam toàn thắng. Những người con miền Nam vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, tin yêu và động viên. Để xứng đáng với niềm tin yêu đó, đồng bào miền Nam luôn hướng về Người bằng tất cả tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu vì hòa bình, tự do của dân tộc ta, góp phần xứng đáng cho phong trào cách mạng của thế giới. Hôm nay và mai sau, miền Nam nguyện tiếp tục thực hiện khát vọng của Người: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Có thể khẳng định, Hội thảo đã một lần nữa khẳng định giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử, tác phẩm đặc biệt của người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Đó cũng là những tư liệu quan trọng để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.