Khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023

Sỹ Thành ( Tổng hợp) - Ảnh: Báo Công Thương 5/4/2023, 13:50

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị - nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric) 2023 cùng nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được khai mạc tại TP.HCM.

Sáng 5/4, Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh…đã tổ chức khai mạc triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM.

 Đây là triển lãm quốc tế lớn nhất của ngành được tổ chức tính từ năm 1991 đến nay, với diện tích trưng bày 30.000m2, gấp 3 lần năm ngoái. Số lượng công ty tham gia triển lãm gấp hơn 3 lần năm 2022. 

 Triển lãm là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh giao thương, quảng bá thương hiệu, và mở rộng thị trường trong bối cảnh đầy thách thức của kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng.  

 Các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam và quốc tế sẽ cùng mang đến triển lãm các sản phẩm mới nhất, độc đáo nhất của công ty mình, đáp ứng xu thế chung của thế giới và yêu cầu mới nhất trong ngành dệt may.

 Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành Dệt may Việt Nam đã chứng tỏ vai trò ý nghĩa quan trọng trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn, và khẳng định tên tuổi trong nền kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid và các biến động địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba trên thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt trên 40,4 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, xuất siêu 18,9 tỷ USD. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 68 - 70 tỷ USD.

 Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Sản phẩm xuất khẩu sang khoảng 66 nước với 55 mặt hàng chủ lực, tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, cuộc chiến Nga - Ukraine… dẫn đến sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

 “Để khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

 Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 ngành Dệt May Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường...Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường, các doanh nghiệp dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh, hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.

 Dự kiến, SaigonTex & SaigonFabric 2023 thu hút sự tham dự của hơn 1.300 đơn vị triển lãm đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Ấn Độ, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đài Loan, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Singapore...

 Bên cạnh hoạt động triển lãm là các hội thảo cập nhật lượng thông tin rất lớn về xu hướng thị trường, với những chủ đề đang được quan tâm trong ngành dệt may toàn cầu, như: Biến động thị trường dệt may trong bối cảnh lạm phát, lãi suất neo cao; phần mềm thông minh cho nhà máy may mặc - Giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất; kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may hướng tới phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo nâng tầm ngành dệt may – da giày phát triển kinh tế xanh. Ngoài ra, SaigonTex & SaigonFabric 2023 sẽ mang đến các chương trình gặp gỡ kết nối doanh nghiệp, ra mắt sản phẩm mới và tham quan nhà máy.

 Hầu hết các máy móc, phụ tùng và phụ kiện nổi tiếng quốc tế sẽ được trưng bày, gồm các máy thiết bị dệt may, nhuộm, đo quang phổ, máy may thêu tự động, chuyền treo, công nghệ chuyển đổi số, hệ thống CAD - CAM, lập trình, cắt trải vải, in kỹ thuật số...

 Sự kiện được kỳ vọng sẽ kết nối thương mại, mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may, cơ hội hợp tác kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Ý kiến của bạn: