Thời gian qua, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực, đã tạo được một hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, khá hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Một số kết quả nổi bật trong kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình
Đầu tư xây dựng cơ bản là lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành một tỷ lệ lớn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Thời gian qua, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực, đã tạo được một hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, khá hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt độngđầu tư xây dựng vẫn còn xảy ra nhiều bất cập, hạn chế.
Với vai trò là cơ quan Hiến định trong Hiến pháp 2013, chịu trách nhiệm “thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, một trong những nhiệm vụ Kiểm toán nhà nước là kiểm toán các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tập trung từ NSNN và các nguồn vốn khác của NSNN nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch, chống thất thoát và nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư đối với các cơ quan nhà nước, tăng niềm tin của nhân dân. Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, những năm qua Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tập trung kiểm toán để chỉ rõ bất cập, hạn chế trong chế độ, chính sách và thực hiện chế độ, chính sách trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đối với từng giai đoạn của quá trình đầu tư; làm rõ những sai phạm, khuyết điểm và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá tính kinh tế và hiệu quả đầu tư của các dự án. Từ đó kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bịt lỗ hổng trong quản lý dự án đầu tư.
Sau đây là một số kết quả kiểm toán nổi bật:
1. Tại một số dự án, tổng mức đầu tư được lập chưa phù hợp, dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnhvới giá trị lớn làm ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định nhu cầu vốn và cân đối nguồn vốn. Điển hình như Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng tăng từ 4.660 tỷ đồng lên 18.826 tỷ đồng (tăng hơn 14.000 tỷ đồng tương đương 300%); Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí-thành phố Hạ Long tăng từ 1.318 tỷ đồng lên 2.839 tỷ đồng (tăng hơn 1.500 tỷ đồng tương đương 115,3%).
2. Công tác lập, giao và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư còn tình trạng: xác định nhu cầu để ứng trước kế hoạch vốn còn thiếu chính xác; việc lập và giao kế hoạch vốn ODA hàng năm chưa phù hợp, thấp hơn so với nhu cầu giải ngân theo tiến độ thực hiện của dự án; bố trí vốn đối ứng còn thiếu so với Hiệp định vay. Ngược lại, có nhiều dự án lại được phân bổ vốn nhiều hơn nhu cầu thực tế, nhất là các dự án sử dụng vốn Trái phiếu chính phủ (TPCP) như:Dự án đầu tư XDCT mở rộng QL1 đoạn Km1392 - Km1405 và Km1425 - Km1445, tỉnh Khánh Hòa dư 719 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1153 - Km1212+400 thuộc tỉnh Bình Định dư 728 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn từ Km1265+00-Km1353+300 thuộc tỉnh Phú Yên dư 441 tỷ đồng. Một số dự án sử dụng vốn ODA đến hết thời hạn Hiệp định vay nhưng vẫn còn dư vốn không sử dụng hết.
Việc dư vốn kế hoạch, phân bổ kế hoạch vốn chưa phù hợp nêu trên đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng vốn ngân sách, TPCP của nhà nước, gây lãng phí vốn(nhất là vốn TPCP phải chịu lãi kể từ khi phát hành).
3. Qua kiểm toán cho thấy, chất lượng công tác khảo sát, thiết kế nhiều dự án còn hạn chế, bất cập dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thi công. Ở nhiều dự án, hồ sơ khảo sát, thiết kế chưa đầy đủ, thiếu chính xác, chưa tuân thủ đầy đủ khung tiêu chuẩn của dự án; phương pháp thiết kế ban đầu chưa phù hợp với điều kiện thực tế dẫn tới trong quá trình thi công phải điều chỉnh; báo cáo khảo sát địa chất không phản ánh đúng thực tế địa chất công trình, thiết kế cao độ mặt đường chưa tối ưu dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập bản vẽ thi công.
4. Hầu hết dự toán của các dự án đều tính sai khối lượng, sai đơn giá. Đặc biệt một số dự án áp dụng, vận dụng định mức không phù hợp làm tăng giá trị dự toán với giá trị lớn như: định mức “cọc cát” cho công tác thi công “giếng cát”; định mức công tác “cốt thép cọc khoan nhồi sử dụng mối nối que hàn, máy hàn” cho công tác “cốt thép cọc khoan nhồi sử dụng mối nối cóc”, ...
5. Công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thương thảo, quản lý hợp đồng còn tồn tại như: thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với thời gian quy định; không đăng tải thông tin về kế hoạch đấu thầu, kết quả trúng thầutrên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định; hợp đồng xây dựng được các bên ký kết chưa nêu rõ mức thu hồi tiền tạm ứng cho từng lần thanh toán, không quy định cụ thể thời điểm áp dụng tỷ giá với các hạng mục tạm tính.Tại một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA, do phải áp dụng điều kiện vay đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế (điều kiện STEP) nên bị ràng buộc bởi một số quy định như: nhà thầu chính; xuất xứ hàng hóa; giá trị gói thầu lớn, … đã làm hạn chế số lượng nhà thầu đủ điều kiện tham gia đấu thầu, từ đó làm giảm hiệu quả đấu thầu.
6.Công tác nghiệm thu, thanh toán tại các dự án còn nhiều sai sót, hầu hết các dự án đều tính sai khối lượng, đơn giá,… Trong đómột số dự án có kết quả xử lý tài chính lớn điển hình như: Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, TP Hải Phòng564 tỷ đồng (6,3%); Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giảm 410 tỷ đồng (3,6%); Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (hợp phần A) – giai đoạn khởi động giảm 374 tỷ đồng (6,3%); Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5) – hợp phần A quốc lộ 53, 54 và 91 giảm 187 tỷ đồng (5,9%).
7. Tại các dự án có sử dụng vốn ODA, việc xác định tỷ giá chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt nam chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Việc xác định tỷ giá chuyển đổi giữa đồng ngoại tệ và đồng Việt Nam trong quá trình rút vốn, giải ngân vốn vay bằng đồng Việt Nam hoàn toàn do Ngân hàng phục vụ ấn định. Ngân hàng có xu hướng ấn định tỷ giá chuyển đổi có lợi cho mình, dẫn tới số ngoại tệ vay bị tăng, như: tại Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tăng 1.075 triệu Yên (bằng 2,6% giá trị khoản vay); Dự án thoát nước Hà Nội tăng 127 triệu Yên (bằng 1,85% giá trị khoản vay); Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện tăng 260 triệu Yên (bằng 0,75% giá trị khoản vay).
8. Về cơ chế quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lĩnh vực giao thông, qua kiểm toán đã phát hiện một số bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách như: chưa có tiêu chí lựa chọn đối với dự án BOT nâng cấp, cải tạo tuyến đường đã có; quy định về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa cụ thể; việc xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính không có quy định cụ thể; quy định tỷ lệ chi phí vận hành thu phí so với số tiền thu phí theo khung quá rộng; chưa có quy định phương pháp điều tra, thống kê số lượng phương tiện lưu thông qua trạm thu phí để lập phương án tài chính; chưa có cơ chế kiểm soát phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; quy định về vị trí đặt trạm thu phí chưa triệt để. Đáng chú ý là, qua kiểm toán 67 dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm thu phí. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hàng loạt các chính sách liên quan.
9. Tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm so với kế hoạch ban đầu nhưng chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa xác định rõ nguyên nhân, ảnh hưởng của từng nguyên nhân đến chậm tiến độ để xử lý, xử phạt theo quy định. Việc chậm tiến độ dự án là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy vốn đầu tư lên cao, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và chậm phát huy lợi ích của dự án.
Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển
Sau 24 năm hoạt động, qua kiểm toán hàng nghìn dự án đầu tư xây dựng công trình, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh việc kiến nghị về xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước còn giúp các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư chấn chỉnh công tác quản lý dự án; giúp các Ban quản lý dự án nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng quản lý dự án để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý, ngăn ngừa những tiêu cực, lãng phí, thất thoát vốn đầu tư và từng bước hoàn thiện hơn công tác quản lý, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn. Không chỉ phát hiện các sai phạm, KTNN còn kiến nghị với các đơn vị có liên quan bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư không còn phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Có thể thấy, trong những năm qua hoạt động của KTNN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị, các nhà đầu tư và công chúng, nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành thu, chi Ngân sách Nhà nước và sử dụng nguồn tài chính và tài sản công hợp lý, hiệu quả; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng Ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và các địa phương.
Để phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và trong công tác quản lý đầu tư xây dựng nói riêng thì cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫnthực hiện Luật KTNN trong việc thực hiện tiền kiểm đối với các dự án trọng điểm quốc gia nhằm thẩm định, đánh giá, xem xét tính khả thi, tính hiệu quả trước khi Quốc hội, Chính phủ xem xét phê duyệt; cơ chế kiểm toán song song (đồng thời) với hoạt động xây dựng dự án nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại, bất cập ngay trong quá trình thực hiện dự án.
2. Tăng cường thực hiện kiểm toán thường xuyên đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như hạn chế tiêu cực và chống thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư.
3. Thực hiện kiểm toán toàn diện để xác nhận số liệu tài chính của dự án, phục vụ công tác quyết toán dự án đầu tư. Đồng thời, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án và chỉ ra những tồn tại, sai sót, bất cập, từ đó rút ra các kinh nghiệm trong thực hiện các dự án đầu tư khác.
4. Đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động trong kiểm toán lĩnh vực đầu tư XDCB nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng vốn cho đầu tư XDCB.
5. Tăng cường kiểm toán các chuyên đề về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đối với các hình thức đầu tư có huy động nguồn lực của xã hội trong quá trình thực hiện.
6. Tăng cường vai trò tư vấn của KTNN trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.