Các dự án JICA ở tỉnh Quảng Nam tuy không lớn về quy mô, giá trị nhưng đều là những dự án dài hơi, mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững nhờ những cam kết đồng hành phát triển của JICA cùng với quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của tỉnh Quảng Nam.
Trong khuôn khổ Những ngày Nhật Bản ở Quảng Nam từ ngày 16-19/8 đã diễn ra buổi Tọa đàm “Giao lưu hữu nghị nhân dân Quảng Nam – Nhật Bản” vào sáng ngày 19/8.
Tham dự buổi Tọa đàm, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Việt Nam đã chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình dự án hợp tác giữa JICA với tỉnh Quảng Nam trong những năm qua, đặc biệt là những dự án HTKT qui mô nhỏ được thực hiện bởi các tổ chức/đoàn thể của Nhật Bản.
Một trong những dự án nổi bật mà JICA đang tiến hành ở tỉnh Quảng Nam là Dự án viện trợ không hoàn lại cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu, Hội An –một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng hiện đang bị ô nhiễm nước khá nghiêm trọng.
Dự án này hỗ trợ cải tạo hệ thống kênh dẫn nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 2000 m3/ngày, để xử lý nước ô nhiễm tại kênh dẫn tới Chùa Cầu. Tới nay, nhà máy đã gần hoàn thiện, đang lắp đặt hệ thống điện và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 hoặc tháng 11/2018.
Bên cạnh dự án viện trợ không hoàn lại, JICA cũng tiến hành một số dự án hợp tác qui mô nhỏ theo loại hình “Hợp tác Đối tác Phát triển”, trong đó JICA hỗ trợ ngân sách và ủy thác việc thực hiện cho các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương hoặc trường đại học của Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân Nhật Bản tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm.
Dự án điển hình trong loại hình này là “Chương trình giảm thiểu khối lượng rác thải theo mô hình Naha tại thành phố Hội An” được thành phố Naha thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản) thực hiện tại tất cả 13 xã phường trên địa bàn thành phố Hội An, dựa trên kinh nghiệm thực hiện mô hình “Thành phố Cộng sinh Môi trường” của thành phố Naha. Các chuyên gia của Naha rất giầu kinh nghiệm về giảm thiểu rác thải kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm du lịch với mô hình cân nhắc về môi trường, vốn đã trở thành “thương hiệu” của thành phố Naha. Dự án được triển khai với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 và 2 của Dự án này đã được thực hiện chi tiết như sau: Giai đoạn 1 từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2011 và giai đoạn 2 từ tháng 8/2012 đến tháng 7/2015, nhằm bốn mục tiêu chính: Thực thi “Kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt trong thành phố Hội An”; Triển khai việc thu gom phân loại đến toàn thành phố; Phát “Sổ tay hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” đến tất cả các hộ gia đình; và Điều tra thành phần rác thải, tiếp thu năng lực giám sát tình trạng phân loại rác.
Hai giai đoạn đầu của Dự án hướng tới đối tượng người dân, bao gồm các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác tại hộ gia đình thông qua việc tổ chức các hội thảo tập huấn, đồng thời xây dựng giáo trình giảng dạy về môi trường cho các trường học tại Hội An.
Giai đoạn 3 của Dự án, đang được thực hiện trong 3 năm từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2019, nhắm đến đối tượng doanh nghiệp, gồm nhiều hoạt động tập huấn phân loại rác tại doanh nghiệp và thu thập tư liệu, soạn thảo và phát hành “Sách trắng về rác thải” nhằm minh bạch hóa thông tin về hiện trạng môi trường.
Bởi thế mạnh kinh tế của tỉnh Quảng Nam là du lịch, các dự án hỗ trợ của JICA thực hiện tại tỉnh Quảng Nam đều tập trung vào phát triển du lịch, một trong những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh dự án thành phố sinh thái Hội An còn có dự án dài hơi khác về Hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu huyện Nam Giang do Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế Nhật Bản (FIDR) thực hiện.
Một dự án khác cũng rất đáng được kể tới là Dự án phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch – Mở rộng và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, do thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba (Nhật Bản), thực hiện.
Dự án đang hỗ trợ làng nghề Quảng Nam phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các hoạt động: hỗ trợ thiết kế và cải tạo một số cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của nghệ nhân; nâng cao năng lực của của các nghệ nhân thông qua các buổi hội thảo tập huấnhướng tới sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của khách du lịch.
Trong số các dự án hợp tác phát triển của JICA tại tỉnh Quảng Nam còn có Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp vùng sâu vùng xa, được thực hiện bởi trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản).
Dự án được thực hiện tại Cù Lao Chàm, gồm ba hoạt động chính: Hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, hoạt động homestay tại nhà ngư dân. Trước đây là hoạt động tự phát không chuyên nghiệp. Sau khi dự án thực hiện, người dân được tập huấn về nấu ăn (từ cách kết hợp các món ăn trong một bữa tới cách bày biện trang trí món ăn), xây dựng một quy định chung của đảo để làm hài lòng khách du lịch và đào tạo cho cán bộ quản lý du lịch trên đảo.
Hiện nay, Dự án đã thống nhất với thành phố Hội An về kế hoạch bổ sung cung trekking mới trên Cù Lao Chàm đi qua Suối Tình, kết hợp cung này với các dịch vụ được hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án. Cung đường này nằm trên núi, xung quanh có suối tự nhiên, xen lẫn với các cánh đồng, hứa hẹn trở thành một chương trình hấp dẫn đối với khách du lịch.
Bên cạnh những hỗ trợ về tài chính thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại và hợp tác đối tác phát triển, JICA còn cử các tình nguyện viên người Nhật sang làm việc theo nhiệm kỳ 2 năm, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ người dân ở cấp cơ sở.
Văn phòng JICA Việt bắt đầu cử tình nguyện viên tới Quảng Nam từ tháng 12 năm 2003 và đã có tổng cộng 18 tình nguyện viên Nhật Bản đã và đang làm việc tại Quảng Nam chủ yếu trong lĩnh vực kiến trúc, giáo dục môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Các dự án JICA ở tỉnh Quảng Nam tuy không lớn về quy mô, giá trị nhưng đều là những dự án dài hơi, mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững nhờ những cam kết đồng hành phát triển của JICA cùng với quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của tỉnh Quảng Nam.