(HTV) - Việt Nam cùng với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Philippines và Indonesia nằm trong top 10 quốc gia ghi nhận số lượng trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở nhiều nhất do phải đối mặt với các tình trạng thời tiết khắc nghiệt.
Trẻ em Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu. Đồ họa: Phương Trinh
Với tỷ lệ trẻ em chiếm gần một phần ba dân số Việt Nam, cường độ thiên tai cao hơn và biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của các em.
Đặc biệt, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia ghi nhận số lượng trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở nhiều nhất do những hình thái thời tiết cực đoan. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2021, khoảng 930.000 trẻ em ở Việt Nam phải chuyển khỏi nơi ở do các tình trạng thiên tai khác nhau như lũ lụt, bão và hạn hán.
Biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh đến trẻ em. Nguồn ảnh: UNICEF
Theo nghiên cứu, việc di chuyển khỏi nơi ở dù chỉ trong thời gian ngắn hay kéo dài, đều có thể gia tăng mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ liên quan đến khí hậu đối với trẻ em và gia đình các em. Sau khi thảm họa xảy ra, trẻ em có thể bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, gia tăng nguy cơ trẻ bị bóc lột, buôn bán và xâm hại. Đồng thời, việc này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động học tập, chăm sóc sức khỏe cũng như tiếp cận nước sạch và vệ sinh của trẻ, dẫn tới tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh và không được tiêm chủng đầy đủ.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em là một chiến lược lâu dài quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho các thế hệ hôm nay và tương lai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi những chuẩn bị tốt hơn cho trẻ em, gia đình và cộng đồng trước những cú sốc và đảm bảo sự hồi phục hiệu quả.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em là một chiến lược lâu dài quan trọng. Nguồn ảnh: UNICEF
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9