Huyện Bình Chánh kỷ niệm 55 năm ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến

KIỀU MINH - NGUYỄN QUỐC - TRỌNG THỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/7/2023, 22:07

(HTV) - Vào đêm 15/6/1968 (nhằm ngày 20/5 âm lịch), trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, 32 dân công - 32 đóa hoa trong đêm trắng trên cánh đồng bưng Láng Cát “rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”, đã hóa thành bất tử.

Cuộc Tổng tiến công 1968 - những ký ức không quên

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngày 7/7, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh tổ chức Lễ Giỗ 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 lần thứ 55 (1968 - 2023).

Người dân tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 32 dân công hỏa tuyến

Đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất, kiên cường, không quản ngại gian khó, hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến khi tuổi đời còn rất trẻ trong trận chiến ác liệt ngày 20 tháng 5 năm Mậu Thân 1968. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Cũng nhân dịp này, người dân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng; đời đời nhớ ơn những người đã chiến đấu hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Người trong cuộc nói vè đoàn dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc

Tượng đài dân công hỏa tuyến

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống mới đã hồi sinh, càng vinh dự, tự hào về giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968. Khu di tích dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử.

Từ khi xây dựng vào năm 2010 đến nay, qua nhiều lần được sửa chữa, trùng tu, khu di tích càng khang trang, đã trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng để tri ân, tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tượng đài dân công bằng đồng đen cao 3 mét tại Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Lộc là vùng đất nằm ở địa thế giáp với căn cứ Vườn Thơm và căn cứ Củ Chi. Từ vị trí này, ta có thể tiến công vào các cơ quan đầu não của địch. 

Là vùng ven của thành phố Sài Gòn, Vĩnh Lộc liên tục có nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những người con của quê hương Vĩnh Lộc kiên quyết bám đất, bám dân, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đã cùng quân dân Nam bộ và Nhân dân cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 và thắng lợi của chiến dịch mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.

Trong thắng lợi ấy, có sự cống hiến thầm lặng của những người dân công, những người ban ngày vui với đồng án, cấy cày, đêm đến họ lên đường phục vụ cách mạng.

Đêm 15/6/1968 (nhằm ngày 20/5 âm lịch), đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An để tải đạn về Sài Gòn. Đến góc bưng của kinh Láng Cát, đoàn bị địch phát hiện, bắn xối xả. Cuộc tấn công ác liệt khiến 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có nhiều người chưa lập gia đình.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dâng hương tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến

Mãi khắc ghi tinh thần bất khuất

Năm tháng trôi qua nhưng sự kiện 32 dân công hỏa tuyến mãi là bài học sáng trong trang sử hào hùng đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh trên mảnh đất Bình Chánh anh hùng.

Cánh đồng bưng đêm 15/6/1968 nhuộm thắm máu 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc để đổi lấy màu xanh cho quê hương. Họ đã nằm xuống nhưng những câu chuyện về lòng yêu nước, sự hy sinh anh dũng và tinh thần lạc quan yêu đời, tình đồng chí, đồng đội thì trường tồn mãi mãi. Với những dân công còn sống, các cô, chú đều trở về cánh đồng bưng năm xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội, cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của một thời kháng chiến hào hùng.

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của 32 người con đất Vĩnh Lộc anh hùng, dịp này, ban tổ chức Lễ Giỗ đã gửi những phần quà thay lời tri ân sâu sắc nhất đến các dân công hỏa tuyến và thân nhân gia đình dân công hỏa tuyến đã hy sinh và mất.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ với cựu dân công hỏa tuyến

Trước đó, Đoàn Dân - Quân - Chính - Đảng TP.HCM và huyện Bình Chánh tổ chức Lễ viếng tưởng nhớ 32 dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ. Người dân cùng dâng lên tràng hoa tươi thắm và những nén hương tưởng niệm, ghi nhớ sự hy sinh cao cả, bất khuất, kiên cường của 32 dân công hỏa tuyến, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, TP.HCM nhấn mạnh, huyện vẫn luôn tích cực tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền người dân gìn giữ và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền nhân dân huyện Bình Chánh. 

Ông Trần Văn Nam -  Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ về công tác giáo dục, tuyên truyền về tình yêu, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, các dân công hỏa tuyến

Tuổi trẻ huyện Bình Chánh bày tỏ lòng thành, dâng hương tưởng niệm

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh tin tưởng với truyền thống Cách mạng vẻ vang, với niềm tự hào về "sự kiện lịch sử hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến" sẽ tiếp tục vững bước đi lên với niềm tin, quyết tâm và giành nhiều thắng lợi mới; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.

 

Ý kiến của bạn: