HTV tổ chức hội thảo về nội dung số và những thách thức

Đan Quỳnh 16/6/2020, 11:11

Sáng nay (16/6/2020), Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình TP.HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề về nội dung số, qua đó điểm lại những thành tựu trong hoạt động số hóa cũng như những thách thức phía trước mà truyền thông đang đối mặt.


Nhà báo Dương Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM (Ảnh: Thiện Dũng)

Buổi giao lưu nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020). Đây là dịp để các cán bộ, nhân viên của HTV cùng nhìn lại chặng đường số hóa của Đài trong thời gian qua để hiểu rõ thêm về việc tiếp cận khán giả trong thời đại mới, đồng thời cùng nhau góp ý xây dựng cho hoạt động chung của Đài Truyền hình TP.HCM trong thời gian tới.

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình HTV đã giới thiệu  sơ nét bức tranh số hoá trong thị trường truyền thông số hiện nay. Từ năm 2015 đến nay, Đài Truyền hình TP.HCM đã từng bước phát triển trong lĩnh vực số hóa để trở thành một trong 82 cơ quan truyền thông trên thế giới xây dụng mạng lưới tin tức tin cậy và chính thống.

Từ trái qua: MC - BTV Tấn Tài, ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình, BTV Hạnh Dung - Ban Thể dục Thể thao tại buổi giao lưu (Ảnh: Duy Dương)

Bên cạnh đó, các biên tập viên, kỹ thuật viên của HTV còn được dịp lắng nghe câu chuyện của BTV Hạnh Dung (Ban Thể dục Thể thao) qua các mùa giải Đua xe đạp tranh cúp Truyền hình TP.HCM. Có thể thấy, thông qua công nghệ livestream bằng các thiết bị di động, khán giả đã có thể tiếp cận nhanh hơn và gần hơn với cuộc đua, thay vì ngồi trước màn hình TV truyền thống. Khi khai thác việc truyền dẫn cuộc đua thông qua mạng xã hội, HTV đã có cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, những người trước giờ vẫn xa lạ với bộ môn đua xe đạp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh việc chuyển sang số hóa các chương trình truyền hình không chỉ có khó khăn, thách thức mà nó còn mang lại rất nhiều cơ hội mới và lớn. Các cơ quan báo chí, đặc biệt các đài truyền hình là một phần không thể tách rời trong quá trình làm mới, làm hấp dẫn nội dung. Những công nghệ mới giúp bổ sung, chứ không phải là thay thế những cái cũ, và việc gây dựng nội dung hay, hấp dẫn sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh tới mức dư thừa nhưng lại tồn tại một sự khan hiếm tương đối trong việc sản xuất, cung cấp những nội dung thông tin có tính chuyên nghiệp, chính xác và đầy đủ.

Mặt khác, các nhà báo phải hiểu rõ sở thích, hành vi của khán giả, sự đa dạng về đối tượng và các phương thức khán giả tiếp cận, “tiêu dùng” sản phẩm truyền thông. Trong sự bùng nổ của kỷ nguyên số, việc theo đuổi các công cụ và kỹ năng tác nghiệp bằng công nghệ không phải là điều kiện tiên quyết mang lại thành công cho báo chí mà sự phát triển của công nghệ hiện nay đòi hỏi nghề báo phải thay đổi mạnh mẽ để thích nghi và đáp ứng tốt các thách thức và nhu cầu mới của độc giả.

Bà Trương Kiều Nga, Trưởng Ban Biên tập các kênh truyền hình Số và Cáp phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: Thiện Dũng)

Ở một mức độ nào đó, báo chí bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sự thay đổi này bao gồm cả việc thay đổi cách thức quản lý, áp dụng công nghệ, đầu tư cho các nền tảng công nghệ mới. Các phóng viên cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kĩ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. 

Nhưng, để trở nên khác biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội, truyền thông công dân, báo chí chính thống vẫn phải sử dụng nhiều hơn thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả (fake news) đang bùng nổ như hiện nay. Các nhà báo đưa tin nhanh nhưng phải đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, có trách nhiệm cao với xã hội, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vẫn là yêu cầu cốt lõi đối với phóng viên, nhà báo trong bất kỳ thời đại nào.

Buổi hội thảo cũng đã ghi nhận những đóng góp của những người đang làm công tác ở các đơn vị như Trung tâm Tin tức, Ban biên tập Số và Cáp... để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp cho việc tiếp cận khán giả thông qua truyền hình số, mạng xã hội dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. 

Phát biểu kết thúc hội thảo, Nhà báo Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM khẳng định, lãnh đạo Đài luôn khuyến khích viên chức và người lao động tại Đài hiến kế cũng như biến những những ý tưởng mới lạ thành hiện thực, luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp cũng như khuyến khích sự sáng tạo trong mỗi nhà báo tại Đài. Tổng Giám đốc HTV cũng nhấn mạnh, vẫn phải chú trọng sản xuất các chương trình trên hạ tầng truyền thống, bởi chương trình truyền thống có tốt, có hay, nội dung có đặc sắc thì mới có thể khai thác trên hạ tầng số.

Ý kiến của bạn: