Sau 3 ngày diễn ra với nhiều nghi lễ quan trọng, sáng nay, 14/5/2019 tại Hà Nam đã diễn ra Lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 3 đăng cai tổ chức. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung với nhiều nội dung đáng chú ý.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN, các bộ ngành Trung ương cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang đến dự.
Về các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo LHQ có sự hiện diện của Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan ông Tashi Dorji; Phó Tổng Thư ký LHQ, Thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ bà Amida Salsiah Alisjahbana và đại diện các ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh (HĐCM), chư tôn đức giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), đồng Chủ tịch Ủy ban Quốc tế (ICDV), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2019 (UBTCQG), cùng chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN.
HT.GS.TS Phra Bhammapundit, Chủ tịch sáng lập ICDV, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Phật giáo trên thế giới (IABU) cùng chư tôn đức, thành viên ICDV, 1.650 đại biểu quốc tế của 570 đoàn đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Phát biểu tại Lễ bế mạc Vesak 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết, yêu thương trên nền tảng giáo lý của Đức Phật, bậc minh triết được Liên hợp quốc suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phât giáo quốc tế nói chung vào việc thực hiện hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Theo đó, chúng ta hy vọng vào những tương lai tươi sáng của nhân loại. Những bất ổn của xã hội như: chiến tranh, xung đột sắc tộc tôn giáo, những khổ đau của nhân loại, sự đói nghèo, biến đổi khí hậu… từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của đại lễ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ để thông điệp về hòa bình và yêu thương của đức Phật luôn tỏa sáng.
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung với 9 dung đáng chú ý như: Cam kết chung cùng thực hiện đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; Lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh đẹp của lễ Bế mạc Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam.
Các cam kết đưa ra trong Tuyên bố chung Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam:
1. Đảm nhận vai trò ngày càng tích cực, ở địa phương và trên toàn cầu; chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa với xã hội nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển các xã hội bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp.
2. Tiếp sức sống với khái niệm "Phật giáo nhập thế" bằng cách hướng tới các hoạt động mang tính toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế.
3. Phê chuẩn cách tiếp cận của Phật giáo như mô hình toàn mãn nhằm đạt được lý tưởng hòa bình và hiểu rõ các giá trị phổ quát của nhân loại.
4. Thể hiện sự đồng tâm với các triết lý Phật giáo nhằm khám phá các đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong việc theo đuổi giáo pháp của Đức Phật như sự hướng dẫn tinh thần cho nền quản trị toàn cầu.
5. Nhận diện khuôn khổ của hành động quốc tế dựa trên Phật giáo là giải pháp khả thi cho sự thịnh vượng, phát triển và tiến bộ của nhân loại trong tinh thần duyên sinh.
6. Thừa nhận sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại. |