Hiệu quả từ mô hình một cửa bảo vệ trẻ khỏi bạo hành và xâm hại

BÍCH VÂN - MINH KHÔI - TRÚC QUỲNH - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/3/2025, 08:55

(HTV) - Theo số liệu từ công an TP.HCM, năm 2023, thành phố xảy ra 186 vụ xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực trẻ em với 196 nạn nhân.

Để đẩy lùi được tình trạng này, TP đã thí điểm "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em" đặt tại các bệnh viện nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp, toàn diện cho các em.

Khoa hồi sức ngoại là chuyên khoa nằm trong quy trình 1 cửa của bệnh viện Nhi đồng TP. đây cũng là nơi chứng kiến và trực tiếp điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn đến thương tích nghiêm trọng như trường hợp  bé trai 13 tháng có ba mẹ đi làm ăn xa, được cậu mợ ruột đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn tri giác, gãy 3 xương sườn. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ đây là trường hợp bị bạo hành và lập tức kích hoạt quy trình một cửa.

Khoa hồi sức ngoại là nơi chứng kiến và trực tiếp điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành

Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Mẫn - Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM cho biết, các bác sĩ phải vừa cấp cứu vừa lập hồ sơ, ghi nhận lại dấu hiệu thương tích ở trẻ, báo chính quyền địa phương, công an vào cuộc lập tức điều trị và cách ly trẻ với cậu mợ, sau đó liên hệ ba mẹ em bé ở Hàn Quốc về chăm sóc cho bé.

Theo đại diện bệnh viện, năm 2023, số trẻ bị bạo hành được phát hiện tại bệnh viện là 12 trẻ, năm 2024 số trẻ bị bạo hành và xâm hại là 15 trẻ và có đến 30 trường hợp trẻ bị bỏ rơi. 

Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Mẫn - Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM 

Trẻ bị bạo lực, xâm hại thường để lại nhiều di chứng về thể xác lẫn tinh thần trong suốt quá trình trưởng thành nếu không được phát hiện và có giải pháp điều trị khẩn cấp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung - Khoa Tâm lý học, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM chia sẻ, trẻ em thường bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực sẽ phát sinh những vấn đề về hành vi, cảm xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách, kỹ năng xã hội hạn chế khi trưởng thành, có xu hướng gặp phải lo âu, trầm cảm khi trưởng thành cao hơn những đứa trẻ bình thường khác. Việc chính thức đi vào hoạt động của mô hình một cửa được xem giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em.

TP.HCM hiện có khoảng 1,9 triệu trẻ em chiếm 19% dân số, hơn 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 25.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng. Mô hình một cửa khi được vận hành sẽ giúp rà soát khoảng trống về chính sách, quy định, tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung - Khoa Tâm lý học, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM 

Tiến sĩ - Bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM cho biết, đầu ra của mô hình đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP.HCM (số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp), có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mang thai ngoài ý muốn được chuyển gửi từ Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cần tạm lánh khẩn cấp. Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn thành phố.

 "Mô hình một cửa" kỳ vọng sẽ trở thành một giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP.HCM

Với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên trách, "Mô hình một cửa" kỳ vọng sẽ trở thành một giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP.HCM, giúp các em sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: