Gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ có thể thay đổi tình hình Ucraina như thế nào?

CHÍ HIẾU - MAI LAN - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/5/2024, 11:48

(HTV) - Vào ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua 04 đạo luật về viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gói viện trợ gần 61 tỷ USD dành cho Ucraina.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua 04 đạo luật về viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD vào ngày 24/4 qua, trong đó có gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ucraina. Gói viện trợ này có thể liệu có thể thay đổi tình hình Ucraina trong cuộc xung đột kéo dài hơn 02 năm với Nga?

Trong số gần 61 tỷ USD dành cho Kiev, 23 tỷ USD sẽ được dùng để sẽ được dùng để lấp đầy kho dự trữ vũ khí của quân đội Mỹ, tạo điều kiện để nước này có thể chuyển giao thêm khí tài cho Ucraina; 14 tỷ USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ucraina, nhằm đào tạo, trang bị và tài trợ cho nhu cầu của quân đội Ucraina.

Hơn 11 tỷ USD dùng để tài trợ các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ ở khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ucraina và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington.

Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ucraina, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói viện trợ mới cho Ucraina ngày 24/4 (Nguồn ảnh: Reuters)

Ngoài gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ucraina, thì còn một đạo luật mở đường cho chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga để chuyển cho Ucraina.

Giới chức Mỹ cho biết đang chuẩn bị những lô vũ khí đầu tiên và sẽ lập tức gửi tới Ucraina ngay sau khi gói viện trợ 61 tỷ USD được thông qua.

Mỹ sẽ ưu tiên bổ sung cho đạn pháo và hệ thống phòng không, đặc biệt là tên lửa chiến thuật tầm xa - những loại vũ khí mà Ucraina đang thiếu hụt. Một số loại đạn dược đang được dự trữ ở Châu Âu có thể được chuyển đi trong một hoặc hai tuần sau đó.

Gói viện trợ của Mỹ mở ra hy vọng mới cho Ucraina (Nguồn ảnh: AP)

Gói viện trợ mới xuất hiên như một chiếc phao cứu sinh với Ucraina trong bối cảnh quân đội nước này đang hoàn toàn bị các lực lượng Nga áp đảo và đang kiệt quệ về cả nhân lực lẫn vật lực trên chiến trường.

Gói viện trợ đã được Ucraina hoan hỉ đón nhận, được Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky đánh giá là sẽ ngăn chiến sự lan rộng, cứu hàng ngàn sinh mạng, giúp cả Ucraina và Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn.

Ucraina hoan nghênh gói viện trợ mới của Mỹ

Trong khi đó, Nga thể hiện sự phản đối mạnh mẽ. Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov cảnh báo, gói viện trợ mới "sẽ làm cho Mỹ giàu hơn, hủy hoại Ucraina hơn nữa, dẫn tới cái chết của thêm nhiều người Ucraina". Ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ "phải trả giá" nếu tịch thu tài sản của Nga.

Ông Peskov cho biết, Mátxcơva không đặt ra giới hạn thời gian cho việc đáp trả các hành động của Washington và nói thêm rằng Nga sẽ điều chỉnh phản ứng của mình để "phục vụ lợi ích quốc gia theo cách tốt nhất có thể".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì cảnh báo, viện trợ quân sự cho Ucraina là hỗ trợ tài chính trực tiếp cho hoạt động khủng bố, và gói viện trợ mới của Mỹ sẽ làm trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Nga phản đối mạnh mẽ gói viện trợ mới của Mỹ cho Ucraina (Nguồn ảnh: AP)

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là gói viện trợ nói trên liệu có giúp Ucraina xoay chuyển được tình hình trên chiến trường hay không, và nếu có thì tới mức độ nào?

Thực tế có thể thấy, gói viện trợ như một liều nước mát cho Ucraina giữa cơn nắng hạn, nhưng theo các chuyên gia thì nó vẫn chưa đủ để giúp Kiev lật ngược thế trận trước quân đội Nga mạnh hơn họ tới 10 lần.

Trước tình hình Kiev đang phải vừa đánh vừa lùi, gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ucraina cân bằng cán cân lực lượng trên chiến trường. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng ổn định và giữ vững mặt trận hiện là mục tiêu và điều có thể hy vọng nhất của Ucraina. Không ai ảo tưởng rằng khoản viện trợ mới đủ sức để Ucraina nhanh chóng tấn công đáp trả Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, Kể từ khi viện trợ Mỹ ngừng chảy vào Ucraina trong năm nay, Nga đã kiểm soát hơn 360 km2 lãnh thổ nước láng giềng.

Ucraina đã mất nhiều khu vực trong thời gian thiếu viện trợ (Nguồn ảnh: AFP)

Theo ước tính, chi tiêu quốc phòng của Nga đã chạm mốc 7,5% GDP. Bên cạnh việc sử dụng máy bay không người lái (UAV), chiến thuật hiện tại của Mátxcơva cũng ưu tiên các loại bom lượn phóng từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả, nhằm thực hiện những cuộc tấn công tầm xa.

Nga có lợi thế về nhân lực so với Ucraina và cũng tận dụng lợi thế này để đẩy lùi quân đội Kiev khỏi những cứ điểm chiến lược. Quân đội Nga cũng hiện lớn hơn 15% so với trước khi mở chiến dịch vào Ucraina.

Về phần Ucraina, trước đó, khi gói viện trợ bị đình trệ suốt 06 tháng tại Quốc hội Mỹ, quân đội nước này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực trầm trọng, trong khi lực lượng Nga liên tục tận dụng thời cơ để tấn công mạnh mẽ.

Thiếu nhân lực cũng là một vấn đề trầm trọng với Ucraina (Nguồn ảnh: AP)

Theo ông Mykola Bielieskov - Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, gói viện trợ này sẽ giúp quân đội Ucraina kìm chân lực lượng Nga, tiến hành "phòng thủ chủ động" và giảm thiểu tổn thất. Tuy nhiên, nếu muốn tiến xa hơn thì phải có thêm viện trợ. Đây là một viễn cảnh khó khăn ở Mỹ với sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có thêm viện trợ hay không, nếu có thì sẽ là bao nhiêu trong năm 2025 và sau đó, vì chiến lược của Nga là chờ đợi Ucraina cạn kiệt viện trợ.

Trong khi đó, ngay cả khi có được viện trợ, thì phương Tây cũng không kịp sản xuất vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Ucraina trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã được đặt trong tình trạng sản xuất thời chiến, với tốc độ sản xuất vũ khí vượt trội. Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky mới đây cho biết, hiện chỉ 1/3 số vũ khí mà Liên minh Châu Âu hứa chuyển giao vào tháng 3 năm ngoái tới được tay Kiev.

Theo các chuyên gia, dù có thêm viện trợ, nhưng không có kỳ vọng Ucraina sẽ xoay chuyển thế trận trên chiến trường trong năm nay. Các nguồn tài trợ chỉ giúp kéo dài thêm thời gian cho Ucraina chứ chưa thể lật ngược cán cân quân sự trên chiến trường trong thời điểm này. Năm 2024 được dự đoán sẽ là năm cả Nga và Ucraina cố gắng tích lũy nguồn lực nhằm tung đòn quyết định vào năm 2025.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: