Bất động sản là lĩnh vực có quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành nghề khác. Bởi vậy, nếu thị trường này đình trệ, sẽ kéo theo sự khó khăn của hàng loạt thị trường liên quan.
Thế nhưng, từ cuối quý 4 năm 2022 và quý 1 năm nay, thị trường bất động sản chứng kiến cú trượt dốc. Khách hàng hạn chế giao dịch khi không dễ để tiếp cận đòn bẩy tài chính, chủ đầu tư thì gặp khó khăn kép: không có sản phẩm để bán vì vướng pháp lý, vốn ngày càng cạn kiệt, khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bị lỗ nặng, thậm chí phá sản.
Ghi nhận trên địa bàn TP.HCM, quý 1 năm nay, tăng trưởng chung cho toàn ngành bất động sản -16%. Theo các doanh nghiệp, vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp thời gian qua - chiếm tỷ lệ đến 70%.
Chỉ tính riêng TP.HCM, thời gian qua, đã có 156 dự án vướng pháp lý nhưng dù Trung ương và thành phố đã nỗ lực rất lớn, quyết liệt tháo gỡ cũng mới chỉ gỡ được vài dự án.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu tính bình quân mỗi dự án trị giá 2.000 tỉ đồng thì đã có tới hơn 310.000 tỉ đồng bị chôn vào đây mà không tạo ra giá trị gì cho nền kinh tế.
Ở Việt Nam, BĐS đóng góp trực tiếp khoảng 12% vào tỷ trọng GDP của quốc gia, nhưng đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế, cùng với sức lan tỏa đến 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp.
Khi ngành bất động sản tăng thêm 1.000 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các nhóm ngành liên quan 1.192 tỷ đồng, lan tỏa giá trị tăng thêm 311 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, vực dậy thị trường bất động sản đồng nghĩa với hồi sinh rất nhiều lĩnh vực liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo của năm 2023. Nhưng làm thế nào để vực dậy bất động sản ? Nút thắt nằm ở đâu? Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia cho thấy: ngoài nỗ lực, tái cơ cấu của doanh nghiệp thì rất cần những quyết sách đồng bộ cho thị trường này cùng thị trường tài chính.
Để gỡ khó cho thị trường, từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã mở gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội và ban hành Thông tư 02 (về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ) và Thông tư 03 (về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp). Các chính sách ban hành như trên có thể tháo gỡ một phần nút thắt.
Theo các chuyên gia, trên thế giới, trong vòng 50 năm qua, mọi khủng hoảng tài chính đều xuất phát từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản. Do vậy, vấn đề giải cứu thị trường bất động sản không thể đặt riêng lẻ mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính, mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9